Tái cơ cấu, giãn nợ doanh nghiệp

Những năm trước đây nhiều doanh nghiệp sử dụng vốn vay lưu động ngắn hạn để đầu tư vào tài sản cố định, những dự án trung, dài hạn.

Doanh nghiệp làm vậy vì tin vào lợi nhuận kiếm được hàng năm có thể đủ bù đắp, khấu hao đầu tư cố định, tức dòng tiền thu được đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, đồng thời tiết giảm chi phí lãi vay, bởi vay vốn trung, dài hạn để đầu tư tài sản cố định phải chịu lãi suất cao hơn. Giải pháp tài chính này phù hợp khi nền kinh tế ổn định, hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả.

Tuy nhiên, vài năm gần đây trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chính sách tiền tệ siết chặt khiến lãi vay tăng cao đột biến. Các doanh nghiệp giảm sút đầu ra, hoạt động sản xuất đình trệ, trong khi chi phí lãi vay tăng lên khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền nên khả năng trả nợ giảm sút.

Nguyên nhân nữa là trong thời gian dài doanh nghiệp phải lấy dòng vốn ngắn hạn để trả nợ cho đầu tư dài hạn, bị mất cân đối vốn dẫn đến nguy cơ vỡ nợ cao. Rơi vào tình trạng này phổ biến là các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, bất động sản…

Để cứu doanh nghiệp, yêu cầu đặt ra đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) là cần giãn nợ, cơ cấu lại nợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời bản thân NHTM cũng không bị nợ xấu gia tăng. Theo đó, NHTM cùng doanh nghiệp phải cơ cấu lại nợ, phân loại nợ để điều chỉnh kỳ hạn trả vốn, gia hạn nợ phù hợp với khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Trong quá trình này không loại trừ phát sinh nợ xấu buộc NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vì vậy đã có nhiều NHTM cơ cấu, gia hạn nợ theo hướng có lợi và an toàn cho mình hơn là cho doanh nghiệp. Thí dụ, NHTM yêu cầu khách hàng tự xoay sở vay vốn nơi khác để trả xong nợ cũ mới cho vay lại. Khi đó, khoản nợ của doanh nghiệp trở thành khoản nợ trong hạn, NHTM không phải trích lập dự phòng rủi ro và nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, doanh nghiệp đang nợ nần rất khó vay vốn ở ngân hàng khác. Hơn nữa, luật pháp hiện nay nghiêm cấm hành vi đảo nợ, tức cho vay doanh nghiệp tại một ngân hàng để trả nợ cho chính ngân hàng đó hoặc cho một ngân hàng khác. Để có vốn trả nợ mới được vay vốn lại, nhiều doanh nghiệp phải vay nóng từ “tín dụng đen” với lãi suất cao, nên khó càng thêm dồn vào thế khó.

Hình thức cơ cấu lại nợ theo cách trên rất phổ biến. Theo quy định, các NHTM không cho vay đảo nợ nhưng các nhân viên ngân hàng có thể bắt tay với nhiều đối tượng tín dụng đen bên ngoài để thực hiện dịch vụ đảo nợ giúp doanh nghiệp. Tuy nhiên, hình thức này chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn ngắn hạn, nhưng phải tăng thêm chi phí và không loại trừ bị rủi ro.

Đó là trường hợp có doanh nghiệp vay vốn lãi suất cao bên ngoài và trả xong nợ nhưng NHTM lại ngưng không cho vay lại.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, hiện nay một số ngân hàng có hình thức cho vay tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp như một giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu áp lực trả nợ.

Theo đó, ngân hàng có thể cho phép doanh nghiệp được ân hạn vốn gốc căn cứ trên dòng tiền hoạt động, được trả nợ gốc thấp trong năm đầu tiên theo định kỳ hàng quý. Số vốn gốc phải trả vào năm trả nợ đầu tiên dao động 15-25% số tiền vay ban đầu tùy vào thời hạn vay. Các năm còn lại tỷ lệ trả nợ gốc tăng dần và được dự tính căn cứ theo dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp.

Hình thức cơ cấu nợ này chỉ thay đổi phân kỳ trả nợ phù hợp với điều kiện hiện tại của doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng như với các hình thức cơ cấu nợ khác. Điều kiện khi cơ cấu lại nợ là doanh nghiệp phải có năng lực trả nợ sau khi tái cấu trúc và chỉ tập trung cơ cấu dư nợ vay đối với khách hàng thuộc các ngành phù hợp với chính sách tín dụng hiện hành.

Theo một lãnh đạo ngân hàng, bản chất của ngành ngân hàng là “nuôi nợ” lấy lãi, nếu không có dư nợ ngân hàng sẽ không có lãi. Vì vậy, khi doanh nghiệp khó khăn buộc các NHTM phải tìm cách chia sẻ với doanh nghiệp. Việc ngân hàng cơ cấu, gia hạn nợ là cần thiết nhưng phải có sự chọn lọc những doanh nghiệp khó khăn do bị tác động bởi các yếu tố khách quan và có lịch sử làm ăn nghiêm túc.

Thực tế cho thấy nếu trong bối cảnh thuận lợi không doanh nghiệp nào chọn vay theo hình thức “tái cấu trúc tài chính”, bởi các ngân hàng thường đòi hỏi tài sản đảm bảo phải tốt hơn, lãi suất cho vay cao hơn do kỳ hạn vay kéo dài.

Các tin khác