Sau 3 năm triển khai, Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) đang đi vào giai đoạn quyết liệt khi liên tục có nhiều ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng hoặc đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để tái cơ cấu. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN HỮU NGHĨA (ảnh), Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau 3 năm triển khai, đến nay Đề án cơ cấu lại các TCTD đã đạt được kết quả như thế nào?
TS. NGUYỄN HỮU NGHĨA: - Sau hơn 3 năm triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đến nay về cơ bản việc cơ cấu lại các TCTD được triển khai theo đúng mục tiêu, nguyên tắc, lộ trình đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, số lượng TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đã giảm dần, đặc biệt là các TCTD yếu kém. Từ năm 2012 đến tháng 8-2015 đã giảm 16 TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thông qua sáp nhập, hợp nhất (M&A), đóng cửa, thanh lý, giải thể, rút giấy phép... Hoạt động M&A diễn ra an toàn, lành mạnh trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Các TCTD sau khi tham gia M&A đều có sự tăng trưởng đáng kể về nguồn vốn và tài sản, thanh khoản được cải thiện, bộ máy quản trị, điều hành được đổi mới và tăng cường.
Các TCTD yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại, kể cả TCTD được NHNN mua lại. An toàn hệ thống tiếp tục được bảo đảm và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện. Cơ cấu nguồn vốn dịch chuyển theo hướng ổn định hơn và các TCTD ít phụ thuộc hơn vào nguồn vốn trên thị trường liên NH.
Năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của các TCTD tiếp tục được củng cố; nợ xấu đã được đánh giá, phân loại đầy đủ, rõ ràng, minh bạch hơn và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Các giải pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng góp phần quan trọng kiềm chế, xử lý nợ xấu và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, NHNN tin tưởng sẽ hoàn thành về cơ bản các mục tiêu nêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD vào cuối năm 2015.
- Từ nay đến hết năm 2015 không còn nhiều. Vậy NHNN làm thế nào để đề án này về đích đúng hạn, thưa ông?
NHNN tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý các phương án mua lại, sáp nhập một số TCTD để góp phần xử lý tình trạng sở hữu chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cổ đông lớn thoái vốn theo quy định của pháp luật; tăng cường giám sát, thanh tra, xử lý đối với TCTD vi phạm tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đồng thời tăng cường giám sát đối với các cổ đông và nhà đầu tư lớn của NH trong quan hệ tín dụng, nhằm hạn chế nguy cơ NH bị lạm dụng, chi phối bởi lợi ích nhóm... |
- NHNN sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm hoàn thành về cơ bản mục tiêu đề ra tại Đề án cơ cấu lại các TCTD, trong đó tập trung các giải pháp cơ cấu lại, xử lý triệt để các TCTD yếu kém và TCTD không triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt; đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện đối với tất cả TCTD; chỉ đạo các TCTD áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu phù hợp với thực trạng, điều kiện của TCTD để đưa nợ xấu về mức 3% vào tháng 9-2015.
NHNN tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, hoặc mua lại giữa các TCTD. Những kết quả ngành NH đạt được trong thời gian qua và từ nay đến cuối năm 2015 chính là tiền đề quan trọng và là bước đệm chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo của quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, hướng đến những mục tiêu dài hạn hơn.
- Một trong những vấn đề còn tồn tại trong tái cơ cấu hệ thống TCTD là tình trạng sở hữu chéo. NHNN làm gì để sớm kiểm soát tình trạng này, lành mạnh hóa tài chính hệ thống NH, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô?
- Sở hữu chéo và đầu tư chéo là vấn đề có tính lịch sử và không tránh khỏi trong hoạt động NH, nếu không được kiểm soát tốt có thể gây méo mó hoạt động của TCTD, doanh nghiệp, đồng thời gia tăng rủi ro hệ thống.
Thời gian qua, NHNN đã tích cực chỉ đạo các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về sở hữu cổ phần, sở hữu chéo; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án thoái vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại các TCTD; hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khỏi lĩnh vực NH theo Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6-3-2014 của Chính phủ.
Các TCTD thực hiện tái cơ cấu gắn với việc xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định và sở hữu cổ phần lẫn nhau của TCTD. Các phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt đều có lộ trình xử lý cụ thể. Theo đó, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm dần, từ 6 cặp năm 2012 đến nay giảm xuống 3 cặp.
Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa NH và doanh nghiệp tập trung ở một số NHTMCP nhưng với tỷ lệ sở hữu không lớn. Tình trạng một TCTD sở hữu cổ phần tại một số TCTD hoặc một số TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD đã giảm so với thời gian trước đây. Đồng thời, các TCTD đang tích cực thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp.
Các sai phạm, tồn tại, yếu kém trong hệ thống NH được khắc phục (như vi phạm sở hữu cổ phần, đầu tư, cấp tín dụng sai quy định...); năng lực quản trị, điều hành và hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ được củng cố; hệ thống công nghệ tiếp tục được hiện đại hóa. Khung pháp lý về tiền tệ, hoạt động NH và tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã được hoàn thiện một bước, tạo môi trường cho hoạt động NH an toàn, lành mạnh và hiệu quả, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN. |
- Xử lý nợ xấu là một trong những mục tiêu quan trọng trong Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD. Tuy nhiên, cho đến nay, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về giải pháp cũng như tính hiệu quả của quá trình xử lý nợ xấu?
- Trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi (kinh tế vĩ mô kém ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi và không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD…) nhưng kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình.
Ngành NH đã triển khai đồng bộ và tích cực các giải pháp xử lý nợ xấu, hạn chế, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh với quyết tâm cao nhất dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
NHNN đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý, quy định an toàn về cấp tín dụng và mua, bán, xử lý nợ xấu, trong đó đã ban hành chuẩn mực mới chặt chẽ hơn về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm tạo cơ sở xác định, phản ánh hợp lý chất lượng tín dụng.
NHNN tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng và chỉ đạo các TCTD tích cực trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, hạn chế tăng lương, thưởng, giảm mức chi cổ tức hàng năm để tạo nguồn tài chính xử lý nợ xấu.
Nhờ sự chủ động, nỗ lực và quyết tâm của ngành NH, nợ xấu đã được kiềm chế và xử lý một khối lượng đáng kể. Từ năm 2012 đến hết tháng 6-2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 82,4% tổng số nợ xấu, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu vào tháng 6-2015 còn 3,72%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh không trực tiếp sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Kết quả xử lý nợ xấu nói trên đã góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc và cải thiện chất lượng tài sản, thanh khoản, lành mạnh hóa tài chính của các TCTD, từ đó tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất thấp hơn. Với việc tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, NHNN tin tưởng việc đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm 2015 là khả thi.
- Xin cảm ơn ông.