Thông tư 06 của NHNN có thể coi là hành lang pháp lý về xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là sau 2 năm vay vốn từ cơ chế này, nếu các TCTD yếu kém không trả được nợ, vốn vay sẽ chuyển thành vốn góp, liệu các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông nhỏ của TCTD yếu kém có bị thiệt hại lớn.
Hồi hộp
Theo Thống đốc NHNN, trong tháng 4 NHNN sẽ chốt phương án tái cơ cấu 9 NHTM yếu kém. Theo đó, những TCTD này sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt. Thông tin này khiến không ít cổ đông hiện hữu của các NHTM nhỏ và vừa mang tâm trạng lo âu, hồi hộp không biết NH mình góp vốn có nằm trong danh sách “đen” 9 NHTM yếu kém.
Sự lo lắng này là lẽ đương nhiên bởi theo Quyết định 254 của Chính phủ phê duyệt về đề án tái cơ cấu các NHTM yếu kém, NHNN sẽ yêu cầu hạn chế việc chia cổ tức, lợi nhuận, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng cổ phần góp vốn và tài sản của các TCTD yếu kém.
Quan trọng hơn, trong quá trình cho vay hỗ trợ thanh khoản đối với các TCTD yếu kém, mất khả năng chi trả tạm thời, nhiều cổ đông nhỏ lo ngại khi các NH này không trả được nợ buộc phải chuyển nợ thành vốn góp cổ phần, cổ đông nhỏ lẻ sẽ bị rủi ro lớn.
Đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp cũng như cổ phiếu NH khác với gửi tiền tiết kiệm NH. Nhà đầu tư có thể được lợi rất lớn khi giá trị cổ phiếu tăng, nhưng ngược lại cũng có thể trắng tay khi doanh nghiệp phá sản hay NH quá yếu kém buộc NHNN phải xử lý. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, |
Thí dụ, NH A có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, vay 2.000 tỷ đồng từ NHNN theo cơ chế đặc biệt của Thông tư 06 để giải quyết thanh khoản. Từ vấn đề này đặt ra các câu hỏi: sau 2 năm NH A không trả được nợ, vốn vay 2.000 tỷ đồng sẽ trở thành vốn góp tương đương 20% vốn điều lệ của NH A.
Theo đó các cổ đông nhỏ và lớn sẽ phải chịu thiệt hại khi bị trừ đi tỷ lệ vốn góp cho cổ đông mới là NHNN. Còn nếu 2.000 tỷ đồng vốn góp này được cộng dồn vào vốn điều lệ, NH A sẽ có tổng vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng. Liệu cổ đông nhỏ lẻ vẫn giữ nguyên được tỷ lệ góp vốn của mình như ban đầu?
Đến nay NHNN vẫn chưa có một thông tin cụ thể nào về nghĩa vụ và quyền lợi của cổ đông nhỏ trong lộ trình tái cơ cấu các NHTM yếu kém. Nhưng nếu chiếu theo Quyết định 254 của Chính phủ, có thể thấy nhiều khả năng cổ đông nhỏ lẻ sẽ phải chịu thiệt hại tương tự như cổ đông lớn.
Bởi Quyết định 254 Chính phủ trong lộ trình tái cơ cấu chỉ đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, không hề nhắc đến quyền lợi của cổ đông NHTM yếu kém, mà chỉ nhắc đến nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan, trong đó có cổ đông. Tuy nhiên, ở mục quy định về việc xóa nợ xấu của các NHTM yếu kém, ngoài phương án xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, chuyển nợ thành vốn góp cổ phần của doanh nghiệp vay…
NHNN để ngỏ khả năng cho các NHTM này tăng vốn điều lệ qua phát hành cổ phiếu bổ sung, tăng vốn góp từ các cổ đông, thành viên góp vốn hiện hành và các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước, cổ phần của TCTD được cơ cấu lại.
Đặc biệt, NHNN yêu cầu các TCTD yếu kém phải chuyển nhượng vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần, trong đó cổ đông lớn, cổ đông nắm quyền kiểm soát, chi phối của TCTD yếu kém. Nhưng trong đề án không hề nhắc đến việc cổ đông nhỏ có buộc phải chuyển nhượng hay không. Vì vậy, cổ đông nhỏ lẻ vẫn có thể hy vọng về việc bảo toàn giá trị vốn gốc của mình.
Bất lực
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, hiện nay cổ đông nhỏ lẻ hiện hữu chỉ có thể chờ đợi và kỳ vọng trong lộ trình xử lý nợ xấu các NHTM yếu kém, NH mình góp vốn không bị thiệt hại quá lớn; hoặc hy vọng vài năm nữa khi thị trường bất động sản ấm trở lại, quá trình xử lý mua bán những công trình, bất động sản thế chấp vay vốn sẽ được giá hơn, tức giảm bớt chi phí tái cơ cấu của NHTM yếu kém.
Tuy nhiên, chi phí thiệt hại cho cổ đông có thể sẽ cao hơn nếu lộ trình tái cơ cấu NHTM yếu kém kéo dài. Bởi lẽ khi đó chi phí lãi vay theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con” và không loại trừ khả năng cổ đông sẽ phải gánh chịu rủi ro lớn so với dự kiến ban đầu.
![]() |
Kiểm đếm tiền tại DongA Bank. Ảnh: LÃ ANH |
Nếu xem mỗi cổ đông là chủ nhân một phần của NH thì những cổ đông nhỏ lẻ là những “ông chủ thấp cổ bé miệng” nên chưa được sự tôn trọng cần thiết. Họ cũng là những người đóng góp tài chính, giúp nhiều NHTM nhỏ tăng vốn kịp lộ trình Chính phủ, nhưng nhiều cổ đông chưa được hưởng quyền lợi đầy đủ, nay có nguy cơ sẽ chịu nhiều thiệt thòi do những cổ đông lớn quản lý, điều hành NHTM yếu kém.
Thực tế, không ít cổ đông nhỏ lẻ đã mua cổ phần của các NHTM nhỏ trên thị trường OTC giai đoạn thị trường chứng khoán hưng thịnh với giá 8-9 chấm, nay không chỉ nhận được cổ tức thấp mà còn có nguy cơ mất luôn vốn gốc đầu tư. Dù bức xúc nhưng nhiều cổ đông nhỏ lẻ của NHTM yếu kém cũng không thể làm được gì vì những NHTM dự đoán nằm trong danh sách “đen” hầu hết chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nên thực tế cổ phiếu các NHTM này đã mất tính thanh khoản và hầu như không có chuyển nhượng, mua bán.
Do vậy, dù tin đồn hợp nhất, sáp nhập NH rộ lên gần đây nhưng cổ đông nhỏ của các NH này cũng không thể bán tháo cổ phiếu để thoát thân, đành ôm cổ phiếu và chờ đợi.
Có thể thấy, lộ trình tái cơ cấu NHTM yếu kém đang mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư mới có vốn nhàn rỗi có thể sở hữu NH với giá rẻ, nhưng không loại trừ khả năng sẽ làm thiệt hại nhiều nhà đầu tư là những cổ đông nhỏ lẻ. Đây cũng là bài học cay đắng cho các nhà đầu tư cá nhân chạy theo thị giá cổ phiếu mà quên đi hiệu quả hoạt động của NH khi lựa chọn danh mục cổ phiếu NH trong tương lai.