(ĐTTCO)-Ngày 5-4, một ngày sau khi cơn địa chấn mang tên Tài liệu Panama tấn công toàn cầu, chính phủ nhiều nước bắt đầu cuộc điều tra quy mô lớn nhằm xác định những thông tin đã được tiết lộ liên quan đến rửa tiền, trốn thuế.
Điều tra trốn thuế
Theo hãng tin AP, các công tố viên phụ trách về lĩnh vực tài chính của Pháp cho biết đang mở cuộc điều tra sơ bộ về gian lận thuế có đề cập trong Tài liệu Panama. Bộ Tài chính Pháp khẳng định, chính phủ nước này sẽ tìm cách tiếp cận các tài liệu trên và sẽ trừng phạt những đối tượng trốn thuế.
![]() |
Nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết cũng sẽ mở một cuộc điều tra tương tự liên quan đến vụ việc. Trưởng đoàn nghị sĩ đảng Cánh tả tại Quốc hội Đức Sahra Wagenknecht yêu cầu xem xét khả năng lập một ủy ban điều tra ở Quốc hội để điều tra việc trốn thuế cũng như sẽ có những hành động cứng rắn và kiên quyết đối với các ngân hàng tiếp tay cho việc trốn thuế.
Một số quốc gia như Israel, Thụy Sĩ, Áo, Na Uy, Thụy Điển, Ukraine, Australia và Costa Rica cũng thông báo sẽ điều tra các cá nhân, công ty và ngân hàng có tên trong Tài liệu Panama của Công ty Luật Mossack Fonseca.
Ngôi sao bóng đá người Argentina Lionel Messi đang thi đấu cho CLB Barcelona (Tây Ban Nha) vừa tuyên bố sẽ kiện báo El Confidencial sau khi báo này cáo buộc Messi lập một mạng lưới gian lận thuế để giấu tiền.
Lách lệnh trừng phạt
BBC cho biết, Công ty Luật Mossack Fonseca còn hỗ trợ cho 33 cá nhân, công ty của Iran, Zimbabwe và Triều Tiên lách các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong đó có 1 công ty của Triều Tiên bị áp lệnh trừng phạt vì chương trình hạt nhân.
Mossack Fonseca đã đăng ký thành lập những công ty theo dạng thức công ty ở nước ngoài hoạt động dưới danh nghĩa của chính họ. Một vài công ty trong số các công ty kiểu này được đăng ký trước thời điểm áp dụng các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng trong nhiều trường hợp, Mossack Fonseca vẫn tiếp tục hoạt động như một đơn vị ủy nhiệm cho các công ty bị liệt vào danh sách bị trừng phạt.
Tại Panama, Cơ quan công tố nước này cho biết đã mở cuộc điều tra liên quan đến các thông tin trong Tài liệu Panama. Trong khi đó, ông Ramon Fonseca Mora - một trong hai người đồng sáng lập Công ty Mossack Fonseca, đã lên tiếng bác bỏ việc công ty này tiếp tay cho hoạt động rửa tiền hoặc trốn thuế.
Siết luật chống trốn thuế
Sau khi Tài liệu Panama bị rò rỉ, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một loạt quy định mới nhằm ngăn chặn những vụ sáp nhập để trốn thuế của các doanh nghiệp Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết, các quy định mới nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ đã hoặc có ý định trốn thuế bằng cách chuyển trụ sở, chứ không phải hoạt động kinh doanh, sau khi mua một doanh nghiệp nước ngoài ở các nước đánh thuế thấp. Các quy định nhằm giảm lợi nhuận trong các vụ sáp nhập với công ty nước ngoài kiểu này của các doanh nghiệp Mỹ khiến những vụ sáp nhập trong tương lai khó thực hiện hơn. Bộ trưởng Lew cũng cho biết sẽ xem xét các biện pháp khác nhằm ngăn chặn vấn nạn trốn thuế dưới hình thức sáp nhập công ty.
Trước đó, hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ cũng ban hành một số quy định liên quan nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chuyển đổi tài sản để trốn thuế của các doanh nghiệp Mỹ nắm trên 80% cổ phần của công ty sau khi sáp nhập, theo đó doanh nghiệp này vẫn phải nộp thuế cho Mỹ dù trụ sở ở đâu. Tại Đức, Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Heiko Maas tuyên bố sẽ bổ sung luật chống rửa tiền với một hệ thống đăng ký minh bạch nhằm chấm dứt các hành động lén lút liên quan trốn thuế và tài trợ cho khủng bố.
Thủ tướng Iceland từ chức
Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson buộc phải tuyên bố từ chức sau sức ép dữ dội từ người dân và đảng đối lập. Thông tin bị rò rỉ từ Tài liệu Panama cho biết ông đã sử dụng một công ty nước ngoài để che giấu các khoản đầu tư hàng triệu USD.
Ông Gunnlaugsson là người đầu tiên phải chịu hậu quả trong số những nhân vật bị nêu tên trong Tài liệu Panama. Trước đó, ông Gunnlaugsson đã đề nghị giải tán quốc hội và tiến hành bầu cử sớm trong cuộc gặp với Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson tại Reykjavic. Tuy nhiên, Tổng thống Grimsson đã bác đề xuất này. Từ ngày 4-4, ở ngoài trụ sở quốc hội, hàng ngàn người dân tổ chức biểu tình yêu cầu ông Gunnlaugsson từ chức. (BBC)