Một báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết nếu nhu cầu nguyên liệu thô toàn thế giới vẫn tăng mạnh như hiện nay, lượng tiêu thụ nguyên liệu thô sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050.
“Vào năm 2050, con người sẽ tiêu thụ lượng nguyên liệu gấp 3 lần so với hiện nay. Điều này vượt ngoài khả năng cung ứng của nguồn tài nguyên thiên nhiên” - lời cảnh báo rõ ràng này không phải của Lester Brown, Chủ tịch Viện Chính sách địa cầu (EPI), người trong những thập niên qua đã viết nhiều cuốn sách về sự cạn kiệt nguồn tài nguyên; cũng không phải Quỹ Bảo vệ đời sống hoang dã quốc tế (WWF); hay Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), mà do Liên hiệp quốc đưa ra.
Theo báo cáo của Chương trình Vì môi trường Liên hiệp quốc, trong vòng 40 năm tới, khoảng 9 tỷ người sẽ tiêu thụ 140 tỷ tấn quặng, hydrocarbures (có trong khí hóa lỏng) và sinh khối (gỗ, trồng trọt, chăn nuôi). “Các nhà hoạch định chính sách cũng như công chúng vẫn không nghĩ đến việc những nguồn tài nguyên có sẵn là hữu hạn” - các chuyên gia thực hiện báo cáo cho biết.
![]() |
Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên do sự khai thác quá mức. |
Ngăn chặn tình trạng thiếu hụt và áp lực xã hội cũng như địa chính trị có thể xảy ra, thế giới cần sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả và tiết kiệm. Để đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới đòi hỏi những khoản đầu tư lớn về công nghệ, tài chính và xã hội.
Một trong những khó khăn là sự mất cân đối rất lớn trong khai thác nguyên liệu. Thí dụ một người dân tại những quốc gia công nghiệp tiêu thụ trung bình 16 tấn tài nguyên thiên nhiên mỗi năm, nhiều gấp 4 lần một người Ấn Độ. Ngay trong các quốc gia giàu có với nhau, sự chênh lệch cũng rất lớn. Những người dân của Qatar, Áo hay Hoa Kỳ “ngốn” 40 tấn tài nguyên thiên nhiên mỗi năm.
Còn người Pháp, Đức hay Italia chỉ sử dụng khoảng 15 tấn. Báo cáo của Liên hiệp quốc cũng cho biết các con số trên chỉ phản ánh một phần sự thật. Bởi khi tính một tấn đồng chiết suất tại Chile sẽ được đưa vào mức tiêu thụ của người dân Chile dù lượng đồng này phần lớn được bán qua Trung Quốc và châu Âu.
Mặc dù phương pháp tính của Liên hiệp quốc đưa ra có những sai số nhất định nhưng không thể thay đổi được sự thật về mối nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên thế giới. Nếu các quốc gia công nghiệp có thực hiện đúng cam kết cắt giảm một nửa lượng tiêu thụ nguyên liệu từ nay đến năm 2050 xuống còn 8 tấn mỗi người và những quốc gia đang phát triển không vượt quá 8 tấn, tổng lượng nguyên liệu thô sử dụng vẫn lên đến 70 tỷ tấn, tăng 40% so với hiện nay.
Khi đó lượng khí nhà kính thải ra vào năm 2050 sẽ tăng gấp đôi, điều này không phù hợp với mục tiêu của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên của trái đất.
Giữa viễn cảnh môi trường u ám này, bản báo cáo của Liên hiệp quốc chỉ ra một số lý do để hy vọng. Chẳng hạn, xu hướng đô thị hóa, nghe có vẻ ngược, nhưng lại tạo điều kiện cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn. Bởi những vùng dân cư đông đúc (như các đô thị) sẽ giúp tiết kiệm vật liệu xây dựng, năng lượng và phương tiện vận chuyển. Một điểm lạc quan khác là các nền kinh tế mới nổi sẽ có những bước phát triển nhảy vọt nếu áp dụng các công nghệ và mô hình ít tiêu tốn nguyên liệu hơn.
Điều này cũng giống như việc các quốc gia này tiến tới sử dụng điện thoại di động luôn, bỏ qua giai đoạn đầu tư xây dựng mạng lưới điện thoại cố định rộng khắp vừa tốn kém lại vừa bị các công nghệ mới nhanh chóng đánh bật.