Nghiên cứu thành quy định bắt buộc
Ngày 19/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng ETC.
Bộ GTVT được yêu cầu chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện. Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại các trạm thu phí số điện thoại, địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ cũng như tiếp nhận phản ánh của người tham gia giao thông.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; khắc phục triệt để các lỗi kỹ thuật, nhất là lỗi nhận diện thẻ định danh tại các trạm thu phí ETC.
Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có thu phí, các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông khi đến đăng kiểm.
Đồng thời nghiên cứu phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Nghiên cứu mở kênh giao tiếp điện tử và số điện thoại đường dây nóngđể tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của hệ thống thu phí ETC.
Thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để việc dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong đăng kiểm xe.
Cục Đăng kiểm được yêu cầu có báo cáo tới Bộ GTVT về nội dung trên trước ngày 30/8.
Nhiều ý kiến không đồng tình
Sau khi xuất hiện thông tin trên, trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội của các tài xế, đặc biệt trong group Oto Fun (OFFB)-nhóm có 1 triệu thành viên tham gia, phần đông ý kiến cho rằng việc dán thẻ thu phí không dừng về bản chất là một giao kèo đã được thực hiện, qua đó người dùng đồng ý sử dụng dịch vụ thu phí không dừng do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Trong khi đó, đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện đó.
Thành viên Mai Thanh-một tài xế tại Hà Nội cho rằng, về cơ bản, thẻ ETC trên ô tô thực chất không liên quan đến an toàn kỹ thuật khi di chuyển trên đường. Đồng thời cho rằng, sử dụng đường cao tốc hay các công trình BOT giao thông cũng thuộc về nhu cầu cá nhân, không phải là hạng mục bắt buộc như phí bảo trì đường bộ.
“Một bên là tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ (đăng kiểm xe), bên còn lại là dịch vụ (ETC), tức người dùng có quyền chọn lựa. Tôi không hiểu sao lại gộp chung vào làm một”, chị Mai Thanh cho biết.
Nhiều người cho rằng ô tô của gia đình nằm ở khu vực ngoại thành, di chuyển không nhiều và không có nhu cầu đi cao tốc hay sử dụng các dịch vụ BOT.
“Ví dụ như tôi mua xe cá nhân hay chở hàng, xe chỉ chạy quanh trong huyện, trong tỉnh, không bao giờ đi lên cao tốc thì tự nhiên phải bắt buộc mất tiền dán thẻ ETC để làm gì? Hoặc một doanh nghiệp mua xe phục vụ chở khách quanh các khu du lịch giải trí ở địa phương hay đưa đón nhân viên, học sinh của họ, họ không đi vào cao tốc thì sao phải dán thẻ ETC?”, anh Nam Trần (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặt câu hỏi.
Một số ý kiến khác cho rằng, sử dụng đường cao tốc, BOT hay không lại là quyền và nhu cầu của mỗi người, có nhiều phương tiện tham gia giao thông họ không có nhu cầu đi lên cao tốc, qua các trạm BOT thì cũng không nên bắt buộc phải dán thẻ ETC làm gì. Thay vào đó nên khuyến khích để người dân thấy thuận tiện thì tham gia.
“Nhà tôi có chiếc xe 5 tạ mua từ năm 2010, đến nay mới đi được vài nghìn km. Mỗi lần sử dụng chỉ đi trong phạm vi 15 km chở hàng trong nội thành Hà Nội và chưa bao giờ đi cao tốc. Không lẽ lần sau đi đăng kiểm, tôi cũng phải mất 120.000 đồng dán thẻ ETC”, chị Chi ở Hoàng Mai, Hà Nội thắc mắc.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, Bộ GTVT cần phải cân nhắc kỹ, không vì để thoả mãn lợi ích của doanh nghiệp BOT và thu phí không dừng mà áp đặt những quy định phi lý để người dân phải thực hiện. Một số khác nghi nghờ Bộ GTVT đang làm công việc này vì doanh nghiệp BOT.
“Mua xe để đi làm cách nhà vài km ở huyện vùng sâu, ít khi ra khỏi huyện cũng phải đánh xe xa vài trăm km chỉ để dán thẻ ETC thì rất phiền hà. Cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ trước khi thông qua. Còn nếu thông qua thì việc thực thi quy định này phải áp dụng linh hoạt với từng trường hợp cụ thể, tránh việc siết oan cho nhiều người”, anh Mạnh Hưng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc nói.
Phần lớn tài xế đều cho rằng mức phí dán thẻ ETC tuy không nhiều nhưng quy định không hợp lý vẫn gây nhiều ức chế, khó nhận được sự đồng thuận.
Bộ GTVT sẽ đánh giá kỹ mọi tác động để tham mưu phương án phù hợp
Thông tin từ Văn phòng Bộ GTVT cho biết, cơ quan này mới đây có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm quy định việc dán thẻ thu phí không dừng ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tuy nhiên, theo vị này, hiện mới chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá kỹ mọi tác động để tham mưu phương án phù hợp.
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, đơn vị đang nghiên cứu, đánh giá để báo cáo Bộ GTVT về nội dung này.
“Đây là nội dung rất nhạy cảm, được nhiều người quan tâm. Do đó cần phải nghiên cứu kỹ, sau đó mới có báo cáo phương án cụ thể”, vị lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, hiện nay chưa có quy định cụ thể bắt buộc phương tiện phải dán thẻ thu phí tự động không dừng khi đi đăng kiểm. Để thực hiện được việc này, cần xem xét nghiên cứu đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến của các đơn vị sau đó, Cục Đăng kiểm mới tổng hợp và đánh giá mới có thể trình Bộ GTVT.
Đề xuất việc dán thẻ thu phí ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm đang nhận nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, đề xuất này không phù hợp. Vì đăng kiểm là hoạt động kiểm tra, giám sát, xác nhận việc tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vận hành của phương tiện cơ giới đường bộ, an toàn của người và hàng hóa trên phương tiện.
Trong khi đó, việc dán thẻ thu phí không dừng về bản chất là hình thức sử dụng dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều tài xế không có nhu cầu đi cao tốc hay các công trình BOT giao thông thì không thể buộc họ phải dán ETC.