Hãng AP đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran xác nhận việc tổ chức đàm phán với một phái đoàn của lực lượng Taliban. Trước đó, một phái đoàn khác của Taliban cũng đã tới Nga và có các cuộc đàm phán với các quan chức Nga. Các động thái trên của Taliban chỉ diễn ra hơn một tuần sau các cuộc hòa đàm giữa Mỹ và Taliban sụp đổ, khiến nhiều người đặt câu hỏi về dụng ý của lực lượng phiến quân này.
Bàn nhiều vấn đề
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, trong khuôn khổ của các cuộc tham vấn toàn diện giữa Iran với tất cả các bên ở Afghanistan, một phái đoàn chính trị Taliban gần đây đã tới Iran để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Afghanistan với các quan chức Iran. Tuy nhiên, ông Mousavi không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.
Một phái đoàn Taliban trong cuộc gặp với quan chức cấp cao Chính phủ Afghanistan vào tháng 5-2019 tại Nga
Trong khi đó, người phát ngôn của phiến quân Taliban Suhail Shaheen xác nhận, một phái đoàn gồm 4 thành viên của phong trào Hồi giáo cực đoan này đã tới Iran để thảo luận về những diễn biến gần đây trong tiến trình hòa bình Afghanistan, tiến triển và an ninh ở các dự án kinh tế của Iran tại Afghanistan cũng như những nỗ lực quốc tế và khu vực nhằm đạt được hòa bình tại đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Phái đoàn này do phó thủ lĩnh chính trị Taliban Abdul Salam Hanafi dẫn đầu.
Trước cuộc gặp tại Iran, tại Moscow, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan Zamir Kabulov đã tiếp đón một phái đoàn Taliban. Phía Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải mở lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và lực lượng Taliban. Về phía Taliban, họ khẳng định sẵn sàng theo đuổi đối thoại với Washington.
Những động thái mới nhất của Taliban diễn ra sau khi ngày 7-9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố hủy các cuộc gặp bí mật với những thủ lĩnh Taliban và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Trại David cũng như hủy các cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng phiến quân.
Nguyên nhân Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định trên là do Taliban đã tiến hành vụ tấn công ở Afghanistan, khiến 12 người thiệt mạng (trong đó có 1 binh sĩ Mỹ) và hơn 40 người bị thương, trong khi vẫn đang đàm phán với Mỹ.
Giới quan sát nhận định, sự sụp đổ của cuộc đàm phán Mỹ - Taliban có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng bởi nó làm dấy lên lo ngại Taliban sẽ gia tăng các hành vi bạo lực tại Afghanistan để trả đũa. Điều này cũng làm tiêu tan hy vọng của ông chủ Nhà Trắng là đưa tất cả các binh sĩ Mỹ trở về nhà trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Đá “trái bóng” trách nhiệm sang Mỹ
Những cuộc gặp của Taliban tại Tehran và Moscow khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Taliban muốn gì?
Phía Taliban cho hay, thông qua các chuyến đi đến Iran và Nga, họ muốn thông báo với các nhà lãnh đạo trên thế giới tiến trình đàm phán hòa bình tại Afghanistan, những nỗ lực trong việc giải quyết những bất đồng với Mỹ để tiến tới đạt được một thỏa thuận hòa bình cũng như việc Washington tuyên bố hủy bỏ đàm phán. Taliban khẳng định vẫn muốn đối thoại với Mỹ.
Hãng AP dẫn lời Phó giám đốc Chương trình châu Á tại Viện Nghiên cứu Wilson Center có trụ sở tại Washington, ông Michael Kugelman, nhận định, diễn biến đáng chú ý này cho thấy Taliban thể hiện rằng lực lượng này vẫn muốn đối thoại ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy các cuộc gặp. “Taliban làm nổi bật dụng ý của mình bằng cách truyền đi thông điệp thông qua Nga, một đối thủ của Mỹ vốn đang nỗ lực làm sâu sắc mối quan hệ với Taliban thời gian qua”. Giờ “trái bóng” trách nhiệm đã được đá sang phía Mỹ, chiến tranh tại Afghanistan có chấm dứt được hay không là do Mỹ.
Trong khi đó, tờ Guardian dẫn lời một thủ lĩnh Taliban giấu tên cho hay, mục đích các cuộc gặp tại Iran và Nga không phải là để vãn hồi thỏa thuận với Mỹ mà là nhằm có được sự ủng hộ của khu vực trong việc “ép” Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Theo một dự thảo thỏa thuận giữa Washington và lực lượng phiến quân hồi giáo cực đoan, Mỹ sẽ rút khoảng 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan, đổi lại việc Taliban cam kết không cho phép các nhóm khủng bố sử dụng Afghanistan làm căn cứ tấn công Mỹ và các đồng minh.