Lỗ cũng tăng vốn
Theo dữ liệu của Fiinpro, trong quý I-2021, có 43 DNNY đã huy động gần 19.800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 1,1 tỷ CP cho cổ đông hiện hữu, tương đương 70% giá trị phát hành cả năm 2020. Đây là mức cao nhất cả về khối lượng cũng như giá trị phát hành tăng vốn theo quý, kể từ sau khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam.
Covid-19 dần được kiểm soát đã kích hoạt lại nhu cầu huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DNNY, đưa tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu về mức an toàn.
Với kết quả kinh doanh tương đối khả quan, cộng với sự khởi sắc của TTCK trong những tháng đầu năm, phần lớn đợt phát hành CP này dễ dàng thành công như CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (NVL), CTCP Hưng Thịnh Incons (HTN), CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (APH). Con số này sẽ còn tăng cao bởi rất nhiều DN trình tờ tăng vốn trong mùa ĐHCĐ thường niên năm nay.
Tại ĐHCĐ thường niên 2021 của CTCP Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải (TCD) ngày 29-4, HĐQT DN đã đặt ra mục tiêu cho 5 năm tới, với doanh thu tăng trưởng bình quân 22%, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 29%.
Với tham vọng lớn này, TCD có tờ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn mục đích tài trợ dự án và tìm kiếm cơ hội M&A mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng tiềm năng, nhằm gia tăng năng lực cho mảng thi công. Theo đó, TCD dự kiến trình kế hoạch phát hành 87,2 triệu CP thông qua chào bán cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/CP; 50 triệu CP thông qua phát hành riêng lẻ cho NĐT chiến lược với giá dự kiến 12.000 đồng/CP.
Công ty mẹ của TCD là CTCP Bamboo Capital (BCG) trước đó cũng phát hành hơn 67,4 triệu CP để tăng vốn điều lệ lên 2.034 tỷ đồng. Việc tăng vốn của BCG nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận sau thuế tăng gấp 5 lần (đạt 917 tỷ đồng).
Điều đáng nói, không chỉ DN ăn nên làm ra, DN đang trong tình trạng bết bát cũng lên kế hoạch phát hành CP để tăng vốn. Đơn cử, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), theo báo cáo tài chính 2020, lỗ lũy kế tại ngày 31-12-2020 là 3.043 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 584,8 tỷ đồng.
Nhưng tại ĐHCĐ thường niên 2021 ngày 27-4, HĐQT tập đoàn đã có tờ trình phương án chào bán 100 triệu CP với giá 10.000 đồng/CP, tương đương số tiền thu về 1.000 tỷ đồng. Nghịch lý hơn khi giá CP của DN này đang giao dịch trên TTCK chỉ hơn 7.000 đồng/CP.
Thực tế không như kế hoạch
Thực tế không như kế hoạch
Kế hoạch phát hành của DNNY không chỉ gây áp lực lên lực cầu trên TTCK, thúc đẩy thị trường phân hóa mạnh mẽ hơn, còn là áp lực lên hệ thống giao dịch đang quá tải của HoSE. |
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT TTF, cũng nhận thức được khả năng huy động vốn khó, đã “mồi chài” cổ đông bằng lời hứa sẽ bỏ ra 100 tỷ đồng để mua 10 triệu CP phát hành thêm này.
Theo ông Tín, sau khi xóa được nợ xấu, TTF sẽ bước sang cuộc chơi mới với mốc doanh thu 1 tỷ USD. Tham vọng của TTF trong 10 năm tới sẽ trở thành DN gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là đồ gỗ nội thất.
Vẽ ra bức tranh với đầy gam màu sáng, nhưng trong báo cáo tài chính kiểm toán 2020 của TTF đã đưa ra ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty. Dù kết quả kinh doanh năm 2020 có lãi nhưng với khoản lỗ lũy kế tương đương 97,8% vốn điều lệ và chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm, HoSE vẫn tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với TTF.
Tương tự HNX cũng giữ nguyên diện kiểm soát với CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) do tiếp tục thua lỗ trong năm 2020. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 âm 20,91 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31-12-2020 âm 2.306,11 tỷ đồng.
Dù vậy, DN này vẫn lên phương án phát hành CP tăng vốn, khi phát hành thêm 740 triệu CP với giá bán 10.000 đồng/CP, tương đương 7.400 tỷ đồng, bao gồm 5.500 tỷ đồng hoán đổi nợ và 1.900 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động.
Quá nhiều rủi ro
Quá nhiều rủi ro
So với TTF, HNG có lợi thế hơn nhờ giá CP trên TTCK hiện đạt hơn 11.000 đồng/CP, nhưng khả năng thành công của đợt phát hành này vẫn còn bỏ ngỏ, bởi không NĐT nào muốn “chôn vốn” vào CP đang nằm trong diện cảnh báo.
Đó là chưa kể đến rủi ro khi CP phát hành thêm về tài khoản giảm xuống dưới giá mua 10.000 đồng/CP. Đây là rủi ro có thật và đang diễn ra khá nhiều trên TTCK. Đơn cử, BCG dù nhận được sự kỳ vọng lớn từ giới đầu tư, nhưng trước và sau khi 67,4 triệu CP phát hành thêm về tài khoản, BCG chịu áp lực bán ra rất lớn do NĐT lo ngại nguồn cung tăng mạnh.
Mã CP này có đợt giảm mạnh từ mức giá 15.000 đồng/CP xuống còn hơn 12.000 đồng (tương đương 20%). Việc BCG lao dốc mạnh khiến NĐT được mua vào CP trong đợt phát hành thêm với mức giá 10.000 đồng/CP gần như không có lãi, thậm chí lỗ do giá CP đã bị điều chỉnh giảm trong ngày giao dịch không hưởng quyền trước đó.
NĐT mua CP phát hành thêm còn đối mặt với nhiều rủi ro khác, đặc biệt với những DN phát hành CP tăng vốn mạnh như CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) và CTCP Vinafreigt (VNF), CTCP SCI E&C (SCI), CTCP Khoáng sản Miền Đông AHP (BMJ).
Với các DN này, việc tăng vốn 2-5 lần sẽ khiến khả năng sinh lời theo kịp đà tăng vốn. Điều này đồng nghĩa các chỉ số như P/E, P/B của nhiều CP vốn đã ở mức khá cao sau thời gian tăng giá nay tiếp tục tăng thêm, khiến CP kém hấp dẫn trong mắt NĐT.
Việc huy động vốn qua kênh CK mang lại nhiều lợi thế cho DN bởi đây là nguồn vốn rẻ. Tuy nhiên, mặt trái của hoạt động này là áp lực cho chính DN làm sao phải duy trì được kết quả kinh doanh tương ứng với phần vốn như doanh thu, lợi nhuận, cổ tức và xa hơn tác động đến CP đang giao dịch trên TTCK.
Nếu không đảm bảo được mức độ lợi nhuận sau khi tăng vốn sẽ gây áp lực pha loãng và rủi ro giảm giá CP với cổ đông, những người đã tin tưởng rót vốn vào DN.