Tận dụng lợi thế xây dựng thương hiệu

Hôm nay 12-6, Cục Xúc tiến thương mại – Ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia và Báo Tin Tức tổ chức “Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2013”.

Hôm nay 12-6, Cục Xúc tiến thương mại – Ban thư ký Chương trình thương hiệu quốc gia và Báo Tin Tức tổ chức “Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2013”.

Dù có nhiều thế mạnh ở các mặt hàng nông, thủy sản nhưng thực tế, trên thị trường quốc tế, hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều không có tiếng tăm. Chính điều này đã khiến những lợi thế lớn không được tận dụng một cách triệt để.

Không biết làm, quảng bá hình ảnh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai (Đại học Kinh tế Quốc dân), dù Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu nhóm hàng này nhưng hiện đang bị cạnh tranh quyết liệt và yếu thế trong đàm phán về giá, như gạo do thiếu một thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia. Dẫn một điều tra gần đây của một trường đại học tại Hoa Kỳ với giới trẻ nước này cảm nhận về Việt Nam, bà Mai cho biết với thang điểm 7 mức độ, thái độ ưa thích Việt Nam và người Việt Nam chỉ đạt mức trung bình, tức 4 điểm; còn với sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam dưới mức trung bình: trên 3 điểm.

Từ đó, cuộc điều tra đưa ra câu hỏi về mức độ sẵn sàng học tập, đầu tư kinh doanh, đi du lịch, mua sản phẩm của Việt Nam, số điểm lần lượt ứng với 1,7 điểm, 3 điểm, 3 điểm và 3,2 điểm. “Những thí dụ trên cho thấy muốn hấp dẫn, quảng bá hình ảnh Việt Nam việc xây dựng phát triển thương hiệu vùng, miền quốc gia đóng vai trò quan trọng” - bà Mai nói.

Chia sẻ quan điểm này, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, giảng viên bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương mại), trong hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, thương hiệu là yếu tố sống còn của một ngành, doanh nghiệp hay địa phương. Nhiều doanh nghiệp và địa phương có ý thức bảo hộ và phát triển uy tín cho thương hiệu và có kết quả đáng khích lệ.

Nhưng thực tế, là nước xuất khẩu đứng đầu thế giới, gạo Việt Nam vẫn không có được tiếng tăm như gạo Thái Lan. Phần lớn thương hiệu Việt Nam không hề tồn tại ở nước ngoài. Không có thương hiệu nên lương thực, trái cây Việt Nam chịu nhiều thua thiệt trên thương trường quốc tế. Đó là chưa kể hầu như các sản phẩm nổi tiếng liên quan đến nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý đều dễ bị làm giả, làm nhái. Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để xây dựng được thương hiệu ở Việt Nam, làm thế nào để khai thác được giá trị thương hiệu vùng, miền hay giải pháp nào để bảo vệ thương hiệu tập thể?

Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, dù các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản, đặc biệt là cá tra và tôm luôn chiếm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước, nhưng vẫn chưa cố những thương hiệu mạnh mang tầm cỡ cấp vùng, quốc gia và quốc tế. Theo ông Xuân, để xây dựng thương hiệu vùng ĐBSCL các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản… điều đầu tiên phải bắt đầu từ doanh nghiệp.

Sự hợp tác của doanh nghiệp và nông dân cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ tạo ra vùng sản xuất rộng lớn. Bên cạnh đó là giải quyết đồng bộ từ khâu giống, canh tác, công nghệ sau thu hoạch, tồn trữ và tăng cường liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Cần định danh rõ ràng từng thương hiệu gạo, trái cây, thủy sản của vùng ĐBSCL vào Chương trình thương hiệu quốc gia của Chính phủ để quảng bá hình ảnh đất nước. Việc xây dựng một nhãn hiệu chung các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL sẽ là cách tiếp cận hiệu quả với thị trường xuất khẩu, kể cả trong nước.

Định vị thương hiệu

Theo ông Thịnh, chúng ta có rất nhiều tiềm năng, có thế mạnh riêng về nhóm sản phẩm, cơ hội thu hút đầu tư và cơ hội phát triển kinh tế. Các địa phương hoàn toàn có thể xây dựng hình ảnh riêng cho mình khác biệt trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, công chúng. Nhưng đề cập đến vấn đề chiến lược thì điều đầu tiên cần nói đến là việc nâng cao nhận thức, ý chí và sự quyết tâm của lãnh đạo. Đây là điều khó nhất. Thực tế khi lãnh đạo quan tâm, quyết tâm thì sẽ làm được. Bởi thực tế, nhiều người cho rằng việc xây dựng thương hiệu là của doanh nghiệp và không phải là trách nhiệm của địa phương. Đó là cách hiểu chưa đúng về thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu vùng miền gắn liền với địa phương của mình.

Vấn đề thứ hai trong việc xây dựng thương hiệu là định vị thương hiệu. Không phải tất cả địa phương đều phải định vị rằng mình sẽ vươn ra quốc tế, không phải mọi sản phẩm đều vươn ra quốc tế. Nếu địa phương đó vươn ra quốc tế chắc gì đã thành công? Vậy thì hãy định vị như thế nào đó, xác định thị trường mục tiêu của mình để rồi xây dựng thương hiệu.

Thí dụ trái bưởi Việt Nam. Tại sao chúng ta cứ suy nghĩ nhất thiết mặt hàng đó phải ra quốc tế, trong khi nhu cầu trong nước rất cao? Hãy làm tốt thị trường trong nước để sản phẩm đến với từng người dân. Nhưng rất tiếc nhiều doanh nghiệp cho rằng quả bưởi muốn có thương hiệu nổi tiếng phải ra quốc tế, trong khi chúng ta chưa đủ lực, thị trường trong nước chưa quản lý được, dẫn đến hàng giả quá nhiều, làm suy giảm ngay hình ảnh thương hiệu. “Tôi cho rằng việc định vị xem địa phương của mình sẽ làm cái gì và làm đến đâu, đó là tư duy chiến lược cần phải làm” - ông Thịnh nói.

Các tin khác