Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo. Ảnh: QUANG PHÚC
Chiều 20-10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách dự kiến cả năm là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, vượt 202.400 tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán. Chi ngân sách nhà nước cả năm đạt 2 triệu tỷ đồng, bằng 114,1% dự toán là 1,7 triệu tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước ước thực hiện khoảng 352.000 tỷ đồng, bằng 3,75% GDP.
Trong năm 2023, dự toán thu ngân sách là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, chi ngân sách là hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 291.600 tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Bao gồm, chi 726.700 tỷ đồng cho đầu tư phát triển; chi trả nợ lãi, viện trợ và dự trữ quốc gia là 106.800 tỷ đồng. Nguyên tắc thực hiện chi sẽ đảm bảo việc bố trí kinh phí tăng lương cơ sở, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước, trợ cấp ưu đãi người có công, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở; điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt; các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Theo đó, ngoài khoản chi thường xuyên là 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 56,5% để đảm bảo hoạt động bộ máy nhà nước, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thì dự toán chi cải cách tiền lương, lương hưu và điều chỉnh một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở là 12.500 tỷ đồng; chi bổ sung dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách là 58.000 tỷ đồng.
Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023, nhưng từ ngày 1-7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%); tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo khoảng 12,5%. Hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 1-1-2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Để thu hẹp dần khoảng cách tiền lương của cán bộ, công chức các đơn vị này so với các cơ quan nhà nước khác, thuận lợi khi triển khai thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, năm 2023 giữ nguyên mức lương hiện hưởng như năm 2022 đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù (tính theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng).
Chính phủ đề nghị các bộ ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương. Giai đoạn 2023-2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, để chuẩn bị kỹ lưỡng, giảm áp lực tăng chi ngân sách và tập trung nguồn lực cho hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí lùi thời gian cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang như Nghị quyết 27/2018. Về dự toán ngân sách 2023, cơ quan thẩm tra nhất trí việc tăng lương cơ sở với phương án Chính phủ trình, đồng thời giữ nguyên mức lương hiện hữu năm 2022 với các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính đặc thù.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây, theo đó nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng báo cáo, trường hợp giá thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao, tác động đến lạm phát, kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân, thì trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá tác động để Quốc hội xem xét việc giảm thuế này. Mặt khác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội việc giảm hai loại thuế này như một trong những biện pháp điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Tức đây là biện pháp dự phòng trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, diễn biến phức tạp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, biện pháp dự phòng này chưa thực sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Trường hợp cần biện pháp điều chỉnh với xăng dầu, vẫn có thể xem xét điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 18 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022, sau đó mới tính tới việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng.