Vụ Thanh toán NHNN vừa tổng kết việc thực hiện Thông tư 35 của NHNN quy định về thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, bước đầu cho thấy đa số người dân chấp nhận cơ chế thu phí giao dịch ATM nội mạng theo lộ trình với khung phí và thời gian cụ thể.
Mỗi NH thu một kiểu
Theo Vụ Thanh toán NHNN, đến nay có tất cả 46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) đã gửi báo cáo NHNN về biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa theo quy định tại Thông tư 35.
Hầu hết TCPHT đều chấp hành đúng quy định về công bố thông tin, biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị và quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với công nhân, nếu mỗi lần rút tiền nội mạng bị tính 1.000 đồng/lần họ sẽ có xu hướng rút luôn 1 lần, NH chỉ thu được 1.000 đồng. Nắm bắt điều này, chúng tôi vừa miễn phí chi lương, vừa cho rút tiền qua ATM không tính phí. Khi đó, thay vì rút tiền hết 1 lần, công nhân có thể giữ tiền trong tài khoản lâu hơn, giúp NH thu lợi nhiều hơn từ nguồn vốn giá rẻ. Bởi tâm lý chung của công nhân là để dành tiền cuối năm về quê. Ông Trần Phương Bình, |
ATM của các TCPHT đều phục vụ liên tục, có bộ phận trực để hỗ trợ và giải đáp những vướng mắc của khách hàng, đảm bảo hoạt động thông suốt và an toàn.
Riêng việc thu phí giao dịch ATM nội mạng của các TCPHT hiện nay được phân thành 2 nhóm: nhóm có chính sách thu phí giao dịch ATM nội mạng gồm 8 NH là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, Sacombank, LienVietPostBank, Seabank và Western Bank.
Đây là những TCPHT đã bỏ ra nhiều chi phí đầu tư hạ tầng dịch vụ ATM, nên có nhu cầu thu phí giao dịch ATM nội mạng để bù đắp một phần chi phí; nhóm chưa thu phí giao dịch ATM nội mạng gồm 35 NH quy mô vừa và nhỏ do chưa sở hữu nhiều ATM, nên chưa mất nhiều chi phí đầu tư hạ tầng dịch vụ ATM.
Riêng VietBank, KienLongBank và Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương chưa xây dựng biểu phí cho sản phẩm này do mới lưu hành thẻ ghi nợ nội địa.
Mỗi TCPHT có cách thức kết hợp khác nhau giữa thu phí định kỳ và phí giao dịch, có thể phân thành 3 nhóm như sau: Các TCPHT mới tham gia phát hành thẻ hoặc chưa có nhiều chủ thẻ thường có xu hướng miễn tất cả loại phí (phát hành, thường niên và giao dịch ATM) cho chủ thẻ nhằm quảng bá sản phẩm và thu hút thêm khách hàng mới.
Các TCPHT đã phát hành thẻ từ lâu nhưng chưa xây dựng được cơ sở khách hàng đủ lớn, có xu hướng áp dụng các khoản phí định kỳ như phí phát hành, thường niên, nhưng miễn phí giao dịch ATM hoặc ngược lại (thu phí giao dịch ATM, miễn phí phát hành và thường niên).
Với các TCPHT có lượng thẻ phát hành lớn, mất nhiều chi phí để duy trì hệ thống ATM, thường thu cả 3 loại phí trên.
Trước miễn sau thu
Mặc dù Vụ Thanh toán cho rằng mới có 8 NHTM thu phí giao dịch ATM nội mạng, nhưng tìm hiểu của ĐTTC, sau 1-2 tháng miễn phí, đã có một số NHTM bắt đầu thực hiện thu phí rút tiền và giao dịch khác trong nội mạng.
Không chỉ thu phí giao dịch ATM nội mạng, một số NHTM còn thu phí chuyển đổi ngoại tệ của thẻ tín dụng quốc tế. Mức phí này khách hàng và cơ quan quản lý là NHNN ít để ý, nhưng một số NHTM vẫn thường xuyên điều chỉnh theo xu hướng tăng, từ 1,2% lên 2,5-3%/giá trị giao dịch. Điều này khá bất hợp lý khi giá ngoại tệ trong nước thời gian qua ổn định, không có biến động lớn.
![]() |
Một khách hàng đang giao dịch thẻ. Ảnh: LONG THANH |
Các NHTM cho rằng mảng dịch vụ thẻ chưa đem lại lợi nhuận vì chi phí đầu tư lớn, nhưng qua số liệu báo cáo tài chính của các NHTM cho thấy nhiều NHTM kiếm lợi lớn từ mảng thẻ.
Đơn cử năm 2012, Sacombank có tổng thu từ dịch vụ thẻ đạt 169 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 23% trong tổng thu dịch vụ của NH, đạt 103% kế hoạch năm 2012. Lợi nhuận thẻ của Sacombank năm 2012 đạt 84 tỷ đồng, tăng 120 lần so với năm 2011 và đạt 144% kế hoạch.
DongA Bank là NHTM duy nhất nằm trong nhóm NHTM đầu tư lớn cho hệ thống ATM vẫn cam kết miễn phí rút tiền nội mạng đến hết năm 2013. Nhưng theo lãnh đạo DongA Bank, dù không thu phí ATM, dịch vụ thẻ vẫn đóng góp nguồn lợi cho NH.
Cụ thể nhờ dịch vụ thẻ, DongA Bank hiện có hơn 5.000 tỷ đồng vốn huy động qua tài khoản thẻ với lãi suất rẻ không kỳ hạn. Dù phải tiếp quỹ ATM thường xuyên nhưng lượng tiền đó biến động không đáng kể, bởi DongA Bank có số lượng thẻ lớn.
Có thể thấy, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm và lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhanh để kích tín dụng, các NHTM sẽ tận thu lợi nhuận từ nhiều mảng kinh doanh khác ngoài tín dụng. Trong đó, dịch vụ thẻ đang là mảng tiềm năng để tận thu.
Tuy nhiên, mỗi NHTM có chiến lược “thu hoạch” khác nhau, trong đó tận thu phí chưa chắc là giải pháp hiệu quả. Bởi nếu có chính sách miễn phí, tạo niềm tin cho khách hàng duy trì số dư tiền gửi trong tài khoản thẻ, hơn ai hết NHTM đang có lợi thế trên thị trường khi huy động được nguồn vốn giá rẻ.