Nguyên nhân trước hết do bên bán vi phạm hợp đồng về tiến độ, chất lượng công trình, chây ì làm thủ tục ra giấy chủ quyền (GCN). Trong quá trình đầu tư và phát triển dự án, chủ đầu tư đã để xảy ra nhiều sai phạm như bồi thường GPMB, đóng tiền sử dụng đất, xây dựng không phép, sai phép, lấy đất công cộng đưa vào kinh doanh, đưa công trình vào khai thác khi chưa đủ điều kiện...
Thậm chí, khách hàng ở một số dự án rơi vào bế tắc, dở khóc dở cười vì chủ đầu tư kém năng lực, bội tín, có dấu hiệu lừa đảo khi bán 1 căn hộ cho nhiều người, tài sản đã bán cho khách hàng lại đưa thế chấp tại ngân hàng.
Khi quyền lợi bị xâm hại, thay vì chờ đợi cơ quan chức năng xử lý hay đưa nhau ra tòa, giải pháp được nhiều khách hàng đang vận dụng phổ biến là căng băng rôn tại trụ sở công ty, dự án. Nổi bật trong số đó có thể kể đến như chung cư Gia Phú, chung cư Vạn Hưng Phát, chung cư Đạt Gia Residence, khu dân cư Thảo Điền Pearl, dự án Cotec Phú Gia Nhà Bè và các dự án của Kim Phát, Việt Hưng Phát.
Gây sức ép bằng cách căng băng rôn, đa số khổ chủ tin rằng sẽ khiến doanh nghiệp phải ra mặt đối thoại, giải quyết quyền lợi chính đáng cho mình. Và trên thực tế, tùy vào tính chất của từng vụ việc, đã có chủ đầu tư nỗ lực sửa sai. Thế nhưng đa số chủ đầu tư xem nhẹ chữ tín, đạp trên dư luận thản nhiên ôm sai phạm chạy trốn.
Thí dụ, tại dự án Chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức), qua diễn biến vụ việc và chứng cứ người dân cung cấp, có thể thấy hành vi lừa đảo của chủ đầu tư là có chủ đích khi đem 1 căn hộ bán cho nhiều người. Hành vi gian dối, lừa đảo của Công ty Gia Phú theo nhiều luật sư phân tích là rất rõ ràng. Vậy nhưng các cơ quan có trách nhiệm thực thi pháp luật đến nay chưa có biện pháp nào cứng rắn, hiệu quả đối với doanh nghiệp này để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người mua nhà, qua đó ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay lợi dụng những vi phạm trên của các chủ đầu tư kém năng lực, một số nhà đầu tư cơ hội đã đánh đồng với cả nhà đầu tư chân chính để đạt được mục đích cá nhân. Ông D. là giám đốc sàn giao dịch địa ốc với 5-7 nhân viên làm việc thời vụ. Là người có nghề, đánh hơi ở đâu có dự án mới ông lại điều nhân viên đi nghe ngóng. Nếu ngon ăn sẽ nhanh chân đến gom hàng chục sản phẩm chiết khấu cao, vị trí đẹp sau đó lướt sóng thu lợi trong ngắn hạn. Kiếm lời nhờ lướt sóng trong giai đoạn thị trường hồi phục từ cuối năm 2014, đã giúp ông này phất lên nhanh chóng.
Khi thị trường hạ nhiệt, việc ôm quá nhiều hàng khiến ông không kịp tháo hàng. Đây cũng là lúc các chủ đầu tư dồn dập phát thông báo đóng tiền. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhờ am hiểu điểm yếu của bên bán, ông D. quay sang vặn vẹo các vấn đề về pháp lý dự án (quy hoạch, giấy phép, đóng tiền sử dụng đất, giấy phép huy động vốn...).
Mục đích của D. là để chủ đầu tư giãn tiến độ đóng tiền, giải ngân tiền phạt lãi suất do dự án chậm tiến độ, buộc thanh lý hợp đồng. Trường hợp không được đáp ứng, nhà đầu tư này sẽ xúi giục khách hàng khiếu nại tập thể. Bằng chiêu thức này, ông D. đã gây sức ép cho khá nhiều doanh nghiệp, thu hồi cả vốn lẫn lời.
Nói về hiện tượng này, lãnh đạo của một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ, trong số 5 dự án của công ty đang phát triển có những khách hàng hiện diện cả 5 dự án đó và dự án nào họ cũng kiện, đòi yêu sách. Số khách hàng cá biệt này vốn là những đại gia, chuyên lập nhóm đầu tư gây sức ảnh hưởng lớn đến thị trường, đặc biệt là dự án nơi họ tham gia.
Thay vì chia sẻ với chủ đầu tư, họ tìm cách hù dọa, căng băng rôn thị uy tại trụ sở công ty trong các dịp mở bán sản phẩm mới. Mệt mỏi hơn cả là họ lập đánh hội đồng trên mạng xã hội, thậm chí cung cấp thông tin cho báo chí, khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền.
Từ thực tế trên, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét lại động cơ thật sự trong các vụ khiếu nại tại các dự án BĐS, trả lại sự công bằng, uy tín và hình ảnh cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật; đồng thời đưa ra ánh sáng những kẻ lợi dụng để kiếm lời bất chính, giúp người mua tỉnh táo hơn trong việc khiếu nại khi có tranh chấp xảy ra.