Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu trong buổi giám sát tại quận 8. Ảnh: VIỆT DŨNG
Khó khăn về ngân sách
Tại quận 8, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Sang cho biết, thực hiện nội dung được ủy quyền, UBND 16 phường đã ban hành gần 4.000 quyết định hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng với các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, khuyết tật, người cao tuổi, hộ nghèo, cận nghèo… với tổng số tiền gần 7,3 tỷ đồng. Nhiều đầu việc vốn thuộc thẩm quyền của UBND quận được ủy quyền cho các phòng ban chuyên môn, UBND các phường cũng phát huy hiệu quả. Năm 2021, quận giải ngân vốn đầu tư công đạt 97,16% kế hoạch năm. Năm 2022, trong 7 tháng đầu năm, quận đã giải ngân đạt 62,83% kế hoạch năm, là tỷ lệ cao so với cả thành phố.
Tuy nhiên, khi thực hiện chính quyền đô thị, các địa phương cũng gặp những vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về ngân sách. Cụ thể, với mô hình chính quyền đô thị, quận phường không còn là cấp ngân sách, mà trở thành đơn vị dự toán ngân sách. Do đó UBND quận phường khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn, cũng như không còn nguồn kết dư, chi khác, dự phòng, tăng thu ngân sách.
Trường hợp có phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận phải báo cáo Sở Tài chính để trình UBND TPHCM, HĐND TPHCM xem xét, giải quyết, cần có thời gian giải quyết kinh phí nên thiếu tính kịp thời và chủ động. Từ đó, quận 8 kiến nghị UBND TPHCM đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép đơn vị dự toán ngân sách quận thuộc TPHCM có dự phòng ngân sách.
Ngoài ra, quận 8 cũng kiến nghị bổ sung số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cho các phường trên địa bàn phù hợp với quy mô dân số. Hiện nay, số người hoạt động không chuyên trách phường bố trí theo Nghị định 34/2019 của chính phủ. Theo đó phường loại I có 14 người, phường loại II có 12 người. Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai nhiệm vụ nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, với số lượng cán bộ như trên là không đủ, dẫn đến bị quá tải công việc.
Phát biểu kết luận buổi giám sát tại quận 8, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận hoàn thiện đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện Nghị quyết 131, nhất là những khó khăn vướng mắc, từ đó đề xuất chính sách phù hợp.
Trước những khó khăn về nhân sự, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở Nội vụ rà soát tiêu chí phù hợp thực tiễn TPHCM để có phương án tuyển dụng, sắp xếp phù hợp. Bên cạnh đó, quận cũng cần sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm của từng phòng ban. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị quận và các phường phải xây dựng kế hoạch đối thoại với người dân, dành nhiều thời gian đối thoại, gặp gỡ người dân. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh đến công tác giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ quận đã đề ra, đặc biệt là chương trình di dời và giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch. Theo Chủ tịch HĐND TPHCM, đây là những yêu cầu rất quan trọng trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Mạnh dạn phân cấp, ủy quyền
Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Phạm Thị Thúy Hằng cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 131 và các quy định liên quan, UBND quận đã chủ động xây dựng kế hoạch xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và đề ra các giải pháp phù hợp sát thực tế trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội của quận. Điểm nổi bật khi thực hiện Nghị quyết 131 là giúp quận tiết giảm ngân sách, tiết kiệm kinh phí vận hành, lương và các chế độ, chính sách cho đại biểu HĐND quận, phường.
Quận cũng đã tinh giản biên chế, sắp xếp biên chế đối với đại biểu chuyên trách HĐND quận; tinh gọn bộ máy, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn đảm bảo thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Cùng với đó, quận đã thực hiện cơ chế thủ trưởng, Chủ tịch UBND quận trực tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc, giúp giảm thiểu quy trình, thủ tục, thời gian so với trước đây.
Mặt khác, chủ trương đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền của UBND TPHCM cho cấp huyện, cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ của Thành phố đã tạo ra thuận lợi rất lớn cho người dân và chính quyền cơ sở. Qua đó giúp thời gian giải quyết công việc nhanh chóng, đảm bảo kịp thời, nâng cao tính tự chủ trong công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả công việc ngày càng thực chất hơn.
Dù vậy, sau hơn 1 năm triển khi Nghị quyết 131, quận 3 cũng gặp phải một số khó khăn. Trong đó, công tác quản lý, điều hành ngân sách không đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội tại địa phương. Nguyên nhân do quận, phường không còn là một cấp ngân sách theo quy định tại Nghị quyết 131 của Quốc hội và Nghị định 33 của Chính phủ. Đặc biệt, nếu phát sinh các nhiệm vụ chi ngoài dự toán thì thủ tục khá phức tạp. Cụ thể, quận phải báo cáo Sở Tài chính trình UBND TPHCM, sau đó UBND TPHCM báo cáo và trình HĐND TP tại kỳ họp gần nhất. Do đó không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí cho quận, phường thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về an sinh xã hội…
Ngoài ra, hiện cũng chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về có tiếp tục giao UBND cấp quận quản lý đối với các dự án chuyển tiếp do UBND quận quyết định đầu tư trước đây hay không. Do đó quận chưa có cơ sở thẩm định, quyết định điều chỉnh dự án mà đều phải trình sở chuyên ngành nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải ngân. Mặt khác, về thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán thì những dự án này cũng chưa phân định rõ chủ đầu tư trình quyết toán cho Sở Tài chính TPHCM hay trình cho UBND quận.
Về nội dung này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3 Phan Thế Huy dẫn chứng, quận có 31 danh mục dự án mở rộng hẻm đã hoàn tất công tác vận động nhân dân và nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong việc hiến đất, cùng nhà nước mở rộng hẻm. Tuy hiện quận vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư công cũng như chưa được ghi vốn đầu tư các dự án này. Từ đó, quận 3 kiến nghị HĐND TPHCM sớm xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư công, nhất là đối với các dự án đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận cao của người dân trên địa bàn.
Quận 3 cũng kiến nghị TPHCM tiếp tục ủy quyền một số nội dung trong công tác quản lý, điều hành ngân sách nhằm đáp ứng kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kính tế, xã hội tại địa phương. Đồng thời xem xét có cơ chế ủy quyền, hoặc giao nhiệm vụ cho quận, huyện trong các công tác có liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nhằm đẩy nhanh được tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công…
Ngoài ra, quận 3 cũng kiến nghị TPHCM ủy quyền cho Chủ tịch quận phê duyệt thuê mướn mặt bằng cho các đơn vị sự nghiệp; cho phép quận để lại nguồn kế dư để quận điều tiết các hoạt động trên địa bàn; ủy quyền cho Chủ tịch quận phê duyệt thuê mướn mặt bằng cho các đơn vị sự nghiệp; nới lỏng các khoản chi của địa phương…
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng yêu cầu quận 3 có giải pháp, cách thức để đối thoại với nhiều người dân hơn; quan tâm đến tâm tư, tình cảm của cán bộ thuộc diện sắp xếp. Đồng chí cũng lưu ý quận 3 tiếp tục đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 131 để có những đề xuất sát thực tiễn. Cùng với đó, phát huy các mối quan hệ, phối hợp với các sở ngành trong triển khai thực hiện chính quyền đô thị; mạnh dạn trong phân cấp ủy quyền cho các phường triển khai thực hiện nhiệm vụ.