Tăng cường kiểm tra, rà soát hạn chế cây xanh ngã đổ

(ĐTTCO)-Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM - đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn TPHCM, cho biết, những năm qua, thành phố luôn cố gắng làm tốt công tác quản lý cây xanh trên địa bàn, tuy nhiên việc phát hiện cây có nguy cơ ngã đổ còn gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường kiểm tra, rà soát hạn chế cây xanh ngã đổ

- Phóng viên: Sau trường hợp cây xanh trong trường học bật gốc ngã đổ gây tai nạn cho học sinh, nhiều nơi lo sợ dẫn đến việc đốn hạ cây hàng loạt. Là đơn vị quản lý cây xanh, ông có thể phân tích rõ hơn giải pháp hạn chế nguy cơ này?  

Ông Vũ Văn Điệp: Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật được phân công quản lý hệ thống cây xanh trên những tuyến đường chính; các tuyến đường thuộc quận và cây xanh do quận quản lý. Đối với cây xanh trong khuôn viên trường học hay các cơ quan, thuộc đơn vị nào đơn vị đó có trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, đối với các loại cây to, cây cổ thụ muốn đốn hạ phải được cơ quan chức năng cấp phép. 

Trung tâm khuyến cáo người đứng đầu các đơn vị này nên ký hợp đồng với những đơn vị có chuyên môn về quản lý, chăm sóc cây xanh để họ chăm sóc, tỉa cành, mé nhánh, kiểm tra phát hiện cây có nguy cơ; nếu cần thiết phải đốn hạ, họ có phương án, giải pháp xử lý. Các trường học cần phối hợp đơn vị chuyên môn khảo sát, đánh giá cây xanh trong khuôn viên trường để có hướng xử lý phù hợp, không nên cắt trụi, hoặc đốn hạ như một số nơi đã làm. 

- TPHCM đang vào đầu mùa mưa, cây xanh rất dễ gãy cành, ngã đổ. Giải pháp gì để hạn chế việc này, thưa ông?

Việc quan trọng là tạo không gian sinh trưởng đủ chuẩn, nhất là về kích thước hố móng cho gốc cây. Một gốc cây kích thước tối thiểu khoảng 4m2, chiều dọc theo vỉa hè càng dài càng tốt. Dứt khoát không được kiên cố hóa bê tông sát gốc cây mà chỉ sử dụng những vật liệu thẩm thấu nước để cây có độ hấp thụ không khí (cây thở). Những tiêu chí này, trong quy định xây dựng đô thị có đầy đủ, chi tiết, tuy nhiên thực tế chưa đáp ứng được vì hầu hết vỉa hè đều chật hẹp, không đủ chuẩn.

Trong khi đó, quá trình đô thị hóa mạnh, các nhà cao tầng tăng cao nên thiếu không gian phát triển cho cây xanh. Đối với các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước... thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng nên cây có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão. Đồng thời tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo nên hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có dông lốc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.

Các chuyên gia cây xanh đô thị của Pháp khuyến cáo, ở những tuyến đường nhiều cây cổ thụ, để đảm bảo an toàn phải thay thế cây mới. Nguyên tắc, cây càng lâu năm thì khả năng sinh trưởng giảm dần và tất nhiên là độ chịu lực, độ cứng giảm theo. 

- Chúng ta có thể phát hiện sớm cây có nguy cơ ngã đổ không, thưa ông?

Việc phát hiện cây yếu chỗ nào, nguy cơ khi nào ngã đổ là cực kỳ khó. Đây cũng là tình trạng chung, chứ không riêng ở TPHCM. Hiện chưa có công nghệ, máy móc nào phát hiện hay cảnh báo cây ngã đổ mà chỉ dựa vào kinh nghiệm lâu năm của đội ngũ nhân viên Công ty Công viên Cây xanh TP.

Về mặt kỹ thuật, trong quá trình kiểm tra quan sát gốc rễ, thân, cành, lá… phát hiện ra cây đó bị bệnh gì chứ chưa có máy móc để khám hay chẩn đoán bệnh. Tăng cường kiểm tra, rà soát hàng ngày để giúp hạn chế nguy cơ cây ngã đổ.

Một vấn nạn khác cũng đang phải đối phó, đó là tình trạng xâm hại cây xanh, diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, có thể do sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật, khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt với những rủi ro bất ngờ. Việc ngầm hóa hệ thống hạ tầng gây ảnh hưởng rất lớn đến rễ cây. Các đơn vị thi công thường sử dụng phương tiện cơ giới trong quá trình thi công gần gốc cây, cây bị xâm hại, thân bị tróc vỏ, gãy cành nhánh, rễ bị đứt, phơi lộ rễ trên mặt đất, thậm chí gây nghiêng cây, buộc phải đốn hạ khẩn cấp để đảm bảo an toàn.

Một vấn đề nữa, hàng loạt vỉa hè đang bị bê tông hóa, khiến cây chết dần dần. Cụ thể, tại Công viên Văn Lang (quận 5), hàng loạt cây cổ thụ bị chết dần do bê tông hóa. Trên nhiều tuyến đường, cây bị cắt tỉa nhiều lần để đảm bảo an toàn điện nên phần lớn cây xanh bị lệch tán, thân nghiêng... dễ gây ra gãy đổ trong mùa mưa bão. Mặc dù trung tâm đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh, tuy nhiên các đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện nghiêm.  

- Ông có thể nói thêm về tiêu chuẩn cây trồng đô thị, loại cây nào có khả năng thích ứng, chống chịu thiên tai?

Thời gian vừa qua, TPHCM trồng thử nghiệm nhiều loài cây, nhưng theo thời gian một số loài cây bộc lộ khiếm khuyết, như cây long não dễ bị sâu bệnh, thường phải cắt cành nhánh khô nên tán cây thường bị lệch; cây kèn hồng có hoa đẹp nhưng hiện đang bị sâu đục thân gần gốc, tiềm ẩn nguy cơ ngã đổ.

Tùy thuộc vào thổ nhưỡng, vị trí từng tuyến đường đang trồng cây gì hay thay toàn bộ cây mới thì theo tiêu chí của từng tuyến đường chứ không có mẫu số chung. Các chuyên gia cây xanh khuyến cáo trồng đa dạng cá thể, càng nhiều loại càng tốt, vì vậy không thể nói nên trồng cây này hay cây kia.

Các tin khác