Cụ thể, ông Ngãi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối những dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia, người dân đều cho rằng, đề xuất của VEA là rất vô lý và trái quy định. Theo quy định, các dự án nhiệt điện than khi triển khai làm báo cáo đánh giá tác động môi trường đều có phần bắt buộc là phải tham vấn ý kiến cộng đồng.
Trên thực tế, những năm qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã tuyên bố từ chối đầu tư dự án nhiệt điện than do lo ngại ô nhiễm môi trường. Trước diễn biến đáng lo ngại do các dự án nhiệt điện than đang bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực và phản ứng của các địa phương, những bộ ngành liên quan đã khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện VII.
Theo đó, đến năm 2020, công suất nhiệt điện than tăng từ 33,4% lên 42,7% tổng công suất nguồn. Mặc dù đã giảm 5,3% so với Quy hoạch điện VII trước đó, nhưng nhiệt điện than trong quy hoạch vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể. Tuy trong quy hoạch điều chỉnh của ngành điện đã nêu rõ các giải pháp về bảo vệ môi trường, đặc biệt, khuyến khích sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, nhưng hầu hết ý kiến của dư luận vẫn không đồng thuận. Mới đây, những tổ chức liên minh hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền sức khỏe, môi trường năng lượng, pháp lý đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than mới để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội.
Nhìn trên tổng thể, khi tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế đang ở mức cao, việc phát triển một nguồn điện cốt lõi để đảm bảo an ninh năng lượng là cần thiết. Nhưng việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra con số hơn 40% sản lượng điện trong tương lai phụ thuộc vào nhiệt điện than - một trong những nguồn năng lượng được cảnh báo sẽ hủy diệt môi trường, thì câu chuyện phản đối cũng không có gì lạ!
Về giải pháp, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của ngành điện là hệ thống lưới truyền tải không đáp ứng được nhu cầu truyền tải. Nguyên nhân là hệ thống lưới truyền tải điện hiện hữu không được thiết kế song hành, bổ sung kịp thời để đáp ứng sự gia tăng của nguồn. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải, có điện từ nơi cung mà không đến được với nơi cần (tình trạng giải tỏa truyền tải điện mặt trời là một ví vụ). Vì vậy, việc xã hội hóa lưới truyền tải điện cần được khuyến khích, trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và người dân địa phương, đảm bảo an toàn, an ninh của đất nước.
Ngoài ra, thống kê mới đây của Bộ Công thương cũng cho thấy, công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, trong đó riêng tiêu thụ điện chiếm tới 55% sản lượng điện toàn quốc. Nếu doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, có thể tiết kiệm 20%-30%, thậm chí nhiều lĩnh vực có thể tiết kiệm tới 40% lượng tiêu thụ hiện nay. Điều này không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thiết nghĩ, việc tính toán các kịch bản cung ứng năng lượng phải gắn với kịch bản tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng hiệu quả, cung cấp tới hạn chứ không phải đáp ứng bằng mọi giá; trong đó, cấp thiết phải tăng cường ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả trong toàn xã hội.