Tăng giá phải minh bạch

Việc lựa chọn phương án tăng thấp nhất, theo Chính phủ, là để không ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, mức tăng 7,5% cũng bảo đảm được các yêu cầu: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015 EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); bảo đảm khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
 

Cuối cùng, sau khi xem xét kỹ các phương án, Thường trực Chính phủ đã đồng ý tăng giá điện 7,5% từ ngày 16-3-2015, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Trước đó, Bộ Công Thương trình Chính phủ 3 phương án tăng giá điện lần lượt 7,5%, 8,5% và cao nhất 9,5%.

Việc lựa chọn phương án tăng thấp nhất, theo Chính phủ, là để không ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, mức tăng 7,5% cũng bảo đảm được các yêu cầu: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015 EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); bảo đảm khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Kèm theo đó, Chính phủ yêu cầu EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm tổn thất điện năng xuống 8% vào cuối năm nay (năm 2014 tỷ lệ này là 8,49%) và tăng năng suất lao động.

Giá điện theo thị trường là định hướng cần thiết, nhưng việc tăng giá điện chắc chắn không nhận được sự ủng hộ của người dân khi EVN vẫn đang giữ vị thế độc quyền trong ngành điện, và chi phí sản xuất điện của tập đoàn này lại thiếu minh bạch. Hiện tại, hoạt động của ngành điện gồm có 3 khâu: phát điện, truyền tải và phân phối.

Trong 3 khâu đó khâu truyền tải không thể cạnh tranh; chỉ còn khâu phát điện và phân phối điện. Đáng chú ý EVN đang độc quyền trong phân phối điện. Vì thế, dù thị trường đã ở giai đoạn phát điện cạnh tranh, song vẫn còn trong giai đoạn độc quyền mua điện.

Người mua điện từ các nhà máy và phân phối điện đến người tiêu dùng duy nhất trên thị trường là EVN. Đồng thời EVN hiện sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối tại hầu hết các nhà máy sản xuất điện, tổng công suất các nhà máy này chiếm khoảng 64% sản lượng điện.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính vì vị thế độc quyền của EVN nên từ trước tới nay giá điện chỉ tăng mà không bao giờ giảm. Vì độc quyền, tính minh bạch cũng bị xem nhẹ. Mỗi lần điều chỉnh giá điện, cơ quan chủ quản và EVN chỉ nêu những lý do chung chung và cũ kỹ như: chi phí đầu vào tăng cao, phải tăng giá điện để có tiền đầu tư, giá điện nước ta thấp nhất khu vực…

Trong khi đó, chi phí, giá thành sản xuất điện hầu như chưa bao giờ được công bố trước khi tăng giá. Một vấn đề khác khiến nhiều người băn khoăn là chỉ có EVN kêu lỗ trong khi các công ty điện lực khác lại báo lãi. Thí dụ, năm 2014, Tổng công ty Điện lực Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) có doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 432 tỷ đồng và tăng 188% so với kế hoạch; Tổng công ty Điện lực Dầu khí năm 2014 lãi hơn 1.600 tỷ đồng trên tổng doanh thu gần 26.000 tỷ đồng, tăng 167% so với kế hoạch…

Vì thế, người dân phải chấp nhận việc tăng giá điện nhưng cũng bức xúc về sự minh bạch về giá điện, về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang nắm vị trí độc quyền trong ngành điện. Người dân không thể chấp nhận đẩy giá cao để bù lỗ sự yếu kém của EVN.

Tại một cuộc hội thảo vừa tổ chức ở Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá, EVN phá sản và sụp đổ ngành điện”. Theo chuyên gia này, việc Bộ Công Thương đồng ý tăng giá để bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, chẳng khác gì “bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”.

Vấn đề đặt ra, để đưa được giá điện theo thị trường, xóa bỏ độc quyền, cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Kết quả đánh giá cần được công khai, minh bạch. Cần kiểm soát giá điện bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN.

Về lâu dài, cần tách EVN thành nhiều phần, tách riêng phần sản xuất và phân phối với chuyển tải điện. Thậm chí, như lời TS. Nguyễn Đình Cung, nếu vẫn giữ bộ máy làm việc cồng kềnh, cách làm việc thiếu hiệu quả như hiện nay, thì “có thể EVN phá sản ngành điện mới phát triển được, chứ không phải kéo sụp đổ ngành điện”.

Các tin khác