Giá cà phê Arabica giao dịch trên thế giới đang ở mức cao nhất trong 34 năm qua, giá trong nước cũng chạm đến con số kỷ lục 50 triệu đồng/tấn do nguồn cung đang yếu dần.
Thế nhưng, cả doanh nghiệp (DN) và nông dân đều không được hưởng lợi. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong năm 2010 lượng cà phê xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn với tổng kim ngạch gần 1,7 tỷ USD, Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Trong năm nay, giá bán trên hợp đồng các DN đã ký với đối tác đến tháng 5 với mức từ 2.070-2.080USD/tấn, nếu từ nay đến cuối năm, giá cà phê vẫn ở mức 2.000USD/tấn, dự kiến năm nay toàn ngành sẽ cán mốc 2 tỷ USD. Như vậy, triển vọng tăng trưởng của ngành cà phê đang rất lớn. Tuy nhiên, một điểm yếu chưa được khắc phục là công nghệ chế biến cà phê tại Việt Nam chủ yếu chỉ dừng lại ở giai đoạn bóc tách vỏ, làm sạch và phân loại cà phê xô theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Intimex TPHCM (đơn vị có hai nhà máy chế biến cà phê với công suất 90.000 tấn/năm tại Bình Dương), nhận xét: “Đa số DN chế biến cà phê tại Việt Nam hiện nay chỉ mới đến công đoạn sơ chế, rất ít DN chế biến cà phê bột hay cà phê hòa tan, vì vậy giá trị thặng dư tạo ra không lớn. Nếu muốn nâng cao hiệu quả, cần phải đầu tư nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, chỉ tính riêng vốn đầu tư cho một dự án nhà máy cà phê đã tốn khoảng 40 tỷ đồng”.
![]() |
Công nghệ chế biến cà phê của Việt Nam chỉ ở giai đoạn tách vỏ |
Trong những năm gần đây, sự tham gia của các DN FDI vào thị trường cà phê Việt Nam đã mở ra những bước tiến mới cho ngành này. Luật pháp Việt Nam quy định DN FDI tham gia vào thị trường cà phê phải là những DN sản xuất chế biến, có đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất và tiến hành mua nguyên liệu trực tiếp từ các DN trong nước để chế biến sản phẩm. Như vậy, giá trị cà phê xuất khẩu sẽ tăng cao.
Thế nhưng, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, niên vụ vừa qua lại xuất hiện tình trạng nhiều DN FDI vi phạm luật, tranh mua với các DN trong nước bằng cách trực tiếp thu mua cà phê tại vườn của nông dân và thanh toán trực tiếp với mức giá hấp dẫn từ 35.000-37.000 đồng/kg, cao hơn so với giá thu mua của các DN trong nước. Vì vậy trong năm 2010 các DN chế biến cà phê trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu và giá cả do các DN FDI luôn có nguồn vốn mạnh được cung cấp từ phía công ty mẹ để thu mua và thuê kho tạm trữ, còn DN trong nước không có vốn để thu mua vào cuối quý IV do chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát.
Về phía nông dân, do cần tiền để giải quyết các khoản vay trồng trọt nên thấy đây là một món lợi lớn và ồ ạt gom hàng bán cho các DN FDI. Khi các DN trong nước lâm vào tình trạng thiếu hàng để giao cho các hợp đồng đã ký, các DN FDI chào bán lại với giá 49.000 đồng/kg, hưởng phần lợi nhuận trên những sản phẩm chưa qua chế biến.
Trước tình hình này, Vicofa đã gửi công văn kiến nghị Bộ Công Thương rà soát lại hoạt động của các DN FDI ngành cà phê. Sau đó, Bộ đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại hoạt động mua bán này nhằm sớm có biện pháp chấn chỉnh và chuẩn bị dự thảo thông tư hướng dẫn về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của DN FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù cho có đưa ra biện pháp ngăn chặn nhưng nếu DN ngành cà phê trong nước không xây dựng được mạng lưới phân phối, không đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, sẽ không thể tăng sức cạnh tranh với các DN FDI.