Giá xăng đã chính thức tăng 1.610 đồng/lít lên mức 17.880 đồng/lít xăng RON 95 kể từ ngày 11/3 vừa qua; giá dầu hỏa và dầu diesel cũng tăng 710 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng, dầu khá mạnh sau chuỗi 6 tháng giảm giá liên tục thời gian qua.
Điều đáng nói là tới đây, giá điện cũng sẽ tăng 7,5% từ ngày 16/3, nâng giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.622,5 đồng/kWh.
Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường, dưới tác động kép của giá xăng dầu và giá điện, cước vận tải vẫn được giữ ở mức ổn định, doanh nghiệp vẫn tiếp tục chính sách tiết kiệm chi phí để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho hay, các doanh nghiệp vận tải chủ yếu sử dụng dầu diezen với mức tăng chưa đến 1.000 đồng/lít. Số tăng này mặc dù sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp nhưng chưa đến mức phải đàm phán lại hợp đồng với khách hàng về giá cước.
“Chúng tôi tiếp tục nghe ngóng, nếu xăng dầu tăng tiếp trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phải đàm phán lại giá cước vận tải để hài hòa lợi ích giữa các bên,” ông Đặng Thế Phương nói.
Cùng quan điểm trên, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nộị, đợt này giá xăng tăng khoảng 10%, giá dầu tăntg ít hơn. Với mức tăng giá lần này, các đơn vị vận tải sẽ tiếp tục nghe ngóng tình hình thị trường xăng dầu thế giới.
Hiện nay, cơ chế điều hành giá xăng dầu của Chính phủ đã linh hoạt và hiệu quả hơn rất nhiều, do đó các doanh nghiệp vẫn chưa có động thái tăng giá cước vận tải sau đợt tăng giá xăng, dầu lần này.
Đại diện doanh nghiệp vận tải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, ông Khúc Hữu Thanh Hải cho hay, với đợt tăng giá xăng dầu và giá điện sắp tới sẽ ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đợt tăng giá lần này rơi vào thời điểm thị trường vận tải hành khách cũng không cao. Nếu doanh nghiệp tăng giá cước ngay sẽ không khuyến khích được hành khách đi xe.
Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tiết kiệm chi phí để đảm bảo duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và giá cước vận tải.
Tuy nhiên, trái với giá cước vận tải được giữ ở mức ổn định, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu lại đang có mức tăng nhẹ so với thời điểm trước khi tăng giá xăng.
Khảo sát thị trường ngày 12/3 cho thấy, giá các loại rau có mức tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng: rau muống ở mức 18.000-20.000 đồng/mớ, su hào 4.000-5.000 đồng/củ, cà chua 10.000-12.000 đồng/kg… Các mặt hàng thịt lợn tăng nhẹ 3.000-5.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt lợn rọi ở mức 90.000-95.000 đồng/kg, thị thăn 100.000 đồng/kg…
Trước thông tin này, chị Nguyễn Thanh Thúy, Bạch Mai (Hà Nội) rất lo lắng, trước Tết, khi xăng liên tục giảm giá, giá cả các mặt hàng tiêu dùng không thấy giảm. Nhưng nay, khi giá xăng vừa tăng, cùng với việc tăng giá điện, giá cả mặt hàng đã kéo nhau tăng theo.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, đợt tăng giá lần này sẽ có ảnh hưởng tới hàng nghìn mặt hàng. Doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao; đồng thời sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá các mặt hàng tiêu dùng trên thị trường. Người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với việc giá cả leo thang.
Về vấn đề này, theo đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng, giá xăng dầu cùng với giá điện tăng cao đang tác động mạnh tới đời sống và tâm lý người tiêu dùng. Xăng dầu, điện tăng giá còn khiến nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo đó.
Theo các tiểu thương tại chợ đầu mối phía Nam (Tam Trinh-Hà Nội), giá cả các mặt hàng có mức biến động nhẹ một phần do thông tin tăng giá xăng và giá điện.
Tuy nhiên, phần lớn các mặt hàng tăng giá cũng do yếu tố thời tiết, mưa nhiều nên rau quả bị dập nát, việc vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn hơn.