Tăng năng suất để tăng trưởng bền vững

Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã thành công rực rỡ và nổi bật tại châu Á với thành tựu tăng trưởng GDP trung bình liên tục đạt mức 5,3% - chỉ xếp thứ 2 trong khu vực sau Trung Quốc.

Xét một cách tổng thể, tăng trưởng Việt Nam tương đối cân bằng như: gia tăng lực lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu ngành; năng suất nâng cao một cách đáng kể ở nhiều lĩnh vực (chế tạo - chế biến, bán lẻ, vận tải, kho bãi và viễn thông); Việt Nam ngày càng có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống.

Tuy nhiên, theo ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey & Company Việt Nam, con đường phía trước của Việt Nam dường như sẽ không còn bằng phẳng như trước, khi mà tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động sẽ có sự suy giảm trong thập niên tới: tốc độ trung bình hàng năm có thể giảm từ 2,8% hiện nay xuống còn 0,6%.

Trong một giả định về tốc độ tăng trưởng năng suất trung bình giai đoạn 2005-2010 trong mỗi ngành không có sự thay đổi từ nay đến đến năm 2020 (nông nghiệp 3%, công nghiệp 0,5% và dịch vụ 3,4%), lực lượng tham gia lao động không đổi, độ tuổi lao động với nam giới 15-60 và nữ giới 15-55, ông Marco Breu cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chỉ còn 4,6%/năm.

Do đó, một cuộc cách mạng năng suất là điều cần thiết để giữ nhịp tăng tưởng kinh tế hiện tại. Tức để tiếp tục duy trì thành tích tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua, tốc độ gia tăng năng suất lao động của Việt Nam cần tăng thêm 1,5 lần, từ mức 4,1% lên 6,4%.

Cụ thể, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2010-2020 là 7% thì tăng trưởng GDP kỳ vọng từ sự gia tăng đầu vào lao động chiếm 0,6%, tăng trưởng GDP cần đạt được nhờ gia tăng năng suất lao động chiếm 6,4%.

Theo ông Charles Gregory, Trưởng đại diện HSBC Insurance tại Việt Nam, hiện nay trong ngành chế tác của Việt Nam, việc tiết giảm chi phí đang khá hiệu quả và chỉ tương đương 1/3 so với chi phí trong cùng lĩnh vực tại các thành phố duyên hải của Trung Quốc.

Song, chi phí thấp hay tiết giảm chi phí không phải là các giải pháp dài hạn, mà mấu chốt phải tăng năng suất và đó là con đường ngắn nhất làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Ông Charles Gregory cũng lưu ý, một trong những điểm quan trọng mà Việt Nam cần quan tâm là đầu tư cho giáo dục tốt để đào tạo ra những kỹ sư, nhà khoa học có kỹ năng tốt.

Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam thực hiện năm 2009, cho thấy có tới 47,4% DN gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng (năm 2008, chỉ có 38,4% gặp khó khăn này); năng suất lao động bình quân của Việt Nam thấp; tốc độ tăng năng suất lao động ngày càng giảm (2008: 3,21%, năm 2009: 2,89%).

Một báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, cho biết có đến 44% DN FDI phải tổ chức các khóa đào tạo lại cho lao động và 25% học viên tốt nghiệp chương trình dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề và kiến thức. Nhiều DN cho rằng thậm chí họ còn thích tuyển dụng người lao động mới để đào tạo từ đầu hơn là tuyển những học viên tốt nghiệp các chương trình dạy nghề.

Như vậy, để tăng năng suất cần có giải pháp đầu tư nâng cao kỹ năng và tăng chất lượng việc làm. Theo các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tăng năng suất lao động là yếu tố sống còn để có tỷ lệ tăng trưởng bền vững.

Tăng năng suất lao động phải được thể hiện ở lương cao hơn, công việc và điều kiện làm việc tốt hơn. Nếu lương không tăng, tiêu dùng nội địa không thể gia tăng và kinh tế sẽ vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Các tin khác