Tăng năng suất lao động: 'Chìa khóa vàng' để thoát bẫy thu nhập trung bình

(ĐTTCO) - Theo chuyên gia, mấu chốt phải là tăng năng suất nội ngành, tức ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất. Đây cũng chính là lý do Chính phủ đặt ra yêu cầu về đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để tăng năng suất lao động.

Tăng năng suất lao động: 'Chìa khóa vàng' để thoát bẫy thu nhập trung bình

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Theo nhiều chuyên gia, để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức.

GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, người có nhiều năm làm thành viên tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã có trao đổi với phóng viên về nội dung này.

PV: Thưa ông, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế, xã hội đang đứng trước những cơ hội và thách thức nào, thưa ông?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Có thể nói Việt Nam chưa bao giờ ở một thời cơ thuận lợi như hiện nay, nhưng thách thức cũng rất lớn. Tôi nghĩ thách thức quan trọng nhất để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là cần luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Như vậy sự tăng trưởng cao đó phải bền vững, bền vững về mặt xã hội, môi trường, tăng trưởng nhanh nhưng phải xanh. Muốn vậy, cần có những đổi mới sáng tạo để làm sao nền kinh tế tăng trưởng theo hướng “bớt nâu” và "nhiều xanh" hơn.

Việt Nam đang nằm trong quỹ đạo tăng trưởng nhanh, trong những năm qua đã đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kể trong khu vực nhưng chưa đủ để vượt bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cần luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng này và cần có giai đoạn bứt phá để vươn lên là quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và cao vào năm 2045. Cuộc đua về mặt tăng trưởng giống như chạy marathon, cần có sức bền bỉ, song đến một giai đoạn quyết định lại cần sự đột phá. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cũng là bài học rất tốt để Việt Nam duy trì nhịp độ tăng trưởng nhanh nhưng bền vững trong thời gian tới. Yếu tố chính mang tính chất "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình này chính là sự gia tăng năng suất lao động.

PV: Theo Tổng cục Thống kê, bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%. Nghĩa là để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm năng suất lao động cần phải tăng khoảng 7,8%. Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng. Theo GS, đâu là chìa khóa giúp tăng năng suất lao động từ đó tăng mức thu nhập trung bình/ đầu người của cả nước, tiến gần hơn với mục tiêu đã đề ra như trên?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Các nghiên cứu cho thấy, cấu thành gia tăng năng suất lao động ở Việt Nam bao gồm chuyển đổi lao động từ khu vực có năng suất thấp như nông nghiệp sang khu vực có năng suất cao hơn như các lĩnh vực về chế tạo, xuất khẩu…

Nguồn thứ 2 là năng suất nội ngành, tức các doanh nghiệp trong ngành phải có cải tiến về mặt khoa học công nghệ, ứng dụng vào sản xuất từ đó gia tăng năng suất trong nội bộ doanh nghiệp của mình.

2 lĩnh vực này là nguồn lực cơ bản gia tăng năng suất lao động thời gian qua của Việt Nam. Song nhìn vào nền kinh tế có thể thấy quá trình tăng năng suất lao động của Việt Nam thời gian vừa qua chủ yếu là sự chuyển dịch của lao động từ khu vực có năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao. Tuy nhiên, mấu chốt phải là tăng năng suất nội ngành, tức ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất. Đây cũng chính là lý do Chính phủ đặt ra yêu cầu về đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp để tăng năng suất lao động.

Về tương quan giữa năng suất lao động và mức lương, hiện nay trong một số lĩnh vực kinh tế, người lao động đã có mức lương được cải thiện đáng kể. Khi đang trong sự chuyển đổi từ nền kinh tế có mức lương thấp sang nền kinh tế có mức lương cao, cũng cần chú ý đến yếu tố cạnh tranh. Cùng với sự cải tiến về mặt tiền lương, cần chú trọng đến việc tăng năng suất lao động. Tốc độ tăng năng suất lao động phải lớn hơn tốc độ tăng tiền lương mới đúng với nguyên lý của nền kinh tế.

PV: Ngoài thách thức về tăng năng suất lao động, Việt Nam cũng đang phải đối diện với xu hướng già hóa dân số, điều này sẽ tác động ra sao đến mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam, thưa giáo sư?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Điều này rất đúng, già hóa dân số không chỉ là thách thức với kinh tế Việt Nam mà đây còn là xu hướng đang diễn ra trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, tình trạng già hóa dân số đang rất hiện hữu và sẽ diễn ra rất nhanh trong thời gian tới. Do đó, nếu không tận dụng được quá trình chuyển đổi này, tận dụng được lợi thế về dân số trong giai đoạn hiện nay thì càng ngày cơ hội tận dụng hiệu quả của lực lượng lao động sẽ càng ít đi. Đây cũng chính là thời điểm gấp rút để có những biện pháp cụ thể giúp hiệu suất lao động cao hơn, ứng dụng mạnh mẽ công nghiệp 4.0, hiệu quả số, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo để lao động đang ở độ tuổi trẻ hấp thụ được những tiến bộ khoa học công nghệ và biến thành năng suất của mình.

Một mặt khác, cũng cần thấy rằng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng sẽ làm mất đi một số việc làm cũ và tạo ra cư hội việc làm mới. Quá trình già hóa dân số cũng sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành chăm sóc sức khỏe, y tế… vấn đề là chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội đó như thế nào và dự báo ra sao.

PV: Về mặt chính sách, theo chuyên gia trong thời gian tới cần có những điều chỉnh nào giúp kinh tế phát triển bền vững, ổn định, tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập cao vào năm 2045, thưa giáo sư?

GS.TS Trần Thọ Đạt: Trong hệ thống chính sách vĩ mô có nói đến đầu tư cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Tôi thấy điều này rất đúng, Sự ưu tiên đó thể hiện ở chỗ Chính phủ phải đầu tư vào xây dựng và bố trí ngân sách để quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số có bước phát triển. Muốn vậy, Chính phủ cần đầu tư vào hạ tầng, những nền tảng số quốc gia quan trọng “made in Việt Nam”, giải được các bài toán Việt Nam đang gặp phải. Trong rất nhiều chính sách, tôi xin tiến cử một chính sách cần quan tâm đặc biệt đó là ưu tiên phát triển kinh tế số, chuyển đổi số và tạo cơ hội để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thẩm thấu vào đời sống xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông.

Các tin khác