Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được xác định là giải pháp tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”, đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh vừa bị tác động bởi dịch Covid-19. Góp phần thực hiện chủ đề năm 2022, quận 7 tập trung chuyển đổi chính quyền số. Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành cho biết, có 2 ứng dụng giúp phục vụ người dân tốt hơn, đó là “Công chức trực tuyến” và “Quận 7 trực tuyến”.
Nếu “Công chức trực tuyến” được xem như văn phòng di động của công chức, giúp công chức xử lý công việc, thì với “Quận 7 trực tuyến”, người dân dễ dàng giao tiếp với chính quyền. Người dân thay vì phải trực tiếp đến cơ quan công quyền, thì giờ đây có thể ngồi bất cứ ở đâu, “gõ cửa” điện tử của quận 7 để được phục vụ trực tuyến một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, quận 1 chú trọng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính không giấy trên các dịch vụ công trực tuyến trong năm 2022. Đồng thời, quận tiếp tục sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để định danh điện tử, giúp nhanh chóng phân loại hồ sơ, kiểm tra hồ sơ dễ dàng hơn so với cách làm thủ công bằng giấy.
Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin, trên toàn địa bàn TPHCM chủ động đẩy mạnh số hóa dữ liệu, xây dựng chính quyền số, nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường điện tử được quy định thời gian cụ thể với từng quy trình, từng hồ sơ; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong xử lý hồ sơ. Cùng với cải cách hành chính ở từng đơn vị, thành phố chú trọng hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức trong giải quyết các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể.
Cùng với đó là việc ban hành quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nếu người đứng đầu không làm tốt cải cách hành chính thì sẽ bị điều động xuống vị trí làm việc thấp hơn.
Khơi nguồn phát triển
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công còn ít (đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025), chưa thể đáp ứng đủ vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh giải pháp huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố phối hợp Bộ Tài chính đánh giá giá trị các công trình xây dựng, do Nhà nước quản lý mà khai thác sử dụng chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả; kiến nghị Chính phủ giao lại cho TPHCM để tạo nguồn lực cho phát triển.
Cùng với đó, khẩn trương triển khai việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do thành phố quản lý, thoái vốn tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước theo kế hoạch được phê duyệt nhằm có thêm ngân sách cho đầu tư phát triển. Đồng thời, để tạo đột phá trong xã hội hóa đầu tư và thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), TPHCM sẽ đề xuất cơ chế thí điểm mời gọi đầu tư đối với các lĩnh vực đầu tư chưa được quy định tại các luật nhưng thành phố có nhu cầu xã hội hóa, như trung tâm thể dục thể thao, công viên, nhà văn hóa, bảo tàng...
Nhằm kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho hay, thành phố tiếp tục chiến lược bao phủ vaccine đến từng người dân, tiếp tục chăm sóc và quản lý F0 tại nhà cũng như tại bệnh viện, mở rộng chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ, chủ động ứng phó với biến thể mới…
Ngành y tế cũng linh hoạt trong tái cấu trúc hệ thống y tế nhằm đáp ứng hai nhiệm vụ không thể tách rời - đó là phòng chống dịch Covid-19 và đảm bảo chăm sóc sức khỏe, chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Năm 2022, thành phố tập trung điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu mắc Covid-19.
Để nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức” trình cấp có thẩm quyền và xây dựng đề án “Phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức”. |