Tăng sức cạnh tranh cho cà phê

Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê nhưng các DN cà phê trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thiệt thòi từ cả thị trường trong nước đến xuất khẩu.

Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê nhưng các DN cà phê trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thiệt thòi từ cả thị trường trong nước đến xuất khẩu.

 Tràn lan thu mua trái phép

Đắk Lắk là địa phương có diện tích trồng cà phê khoảng 180.000ha với sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ. Tuy nhiên, trong những năm qua, các DN trong nước thu mua chưa đến phân nửa sản lượng này do sự lấn sân của các DN nước ngoài (DN FDI).

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), mỗi năm các DN FDI trực tiếp thu mua khoảng 600.000 tấn cà phê từ các hộ nông dân khiến DN trong nước lao đao, thậm chí phá sản, đóng cửa nhà xưởng hàng loạt do thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Chế biến cà phê Công ty TNHH TM-DV Tấn Hưng. Ảnh: Cao Thăng

Chế biến cà phê Công ty TNHH TM-DV Tấn Hưng. Ảnh: Cao Thăng

Ông Văn Thành Huy, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk, cho biết để tạo nguồn cung nguyên liệu, công ty đã tiến hành đầu tư vốn cho nông dân trồng khoảng 100ha cà phê và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc.

Tuy nhiên, khi đến mùa thu hoạch công ty lại thu mua chưa tới phân nửa sản lượng cà phê trên diện tích này vì nông dân đã ký hợp đồng bán cho các DN FDI do giá thu mua họ đưa ra cao hơn.

Đó không phải là trường hợp duy nhất trong ngành cà phê chịu thiệt khi bỏ tiền đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu nhưng lại bị DN FDI đưa ra giá cao để gom hàng. Điều đáng nói là, theo quy định của pháp luật DN FDI tham gia thị trường cà phê Việt Nam là những DN sản xuất chế biến cà phê, phải đầu tư dây chuyền, nhà máy sản xuất và mua nguyên liệu từ các DN Việt Nam để chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, dù các DN này đã sai phạm rất nhiều lần nhưng cơ quan chức năng vẫn không xử lý khiến nhiều DN trong nước phải chịu cảnh khó khăn vì cạnh tranh không lại với các DN FDI ngay trên vùng nguyên liệu do mình đầu tư.

Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nếu chương trình tái canh trên 135.000ha cà phê trên cả nước không đạt được hiệu ứng như mong muốn, ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt với việc mất khoảng 30% sản lượng trong những năm tới.

Để phát triển dự án này, ngành cà phê cần số vốn lên đến 10.000 tỷ đồng để đầu tư giống, kỹ thuật, thực hiện quy trình tái canh. Do đó, Vicofa và các DN thành viên đã thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê, dự kiến dành khoảng 70% số tiền để thực hiện chương trình tái canh cây cà phê để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, nhưng DN FDI lại thờ ơ với việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Vì vậy, nếu không xử lý nghiêm các DN FDI thu mua trái phép cà phê, không chỉ DN cà phê trong nước chịu nhiều thiệt thòi mà còn ảnh hưởng đến nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước để thực hiện phát triển vùng nguyên liệu.

Hỗ trợ chiến lược phát triển

Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, năm 2012 xuất khẩu cà phê ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 2 tỷ USD, thấp hơn năm 2011 khoảng 0,1 tấn về lượng và 700 triệu USD về kim ngạch xuất khẩu. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, ngoài sự tác động của kinh tế thế giới, sự sụt giảm này còn bắt nguồn từ việc các DN Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hệ thống máy móc chế biến còn quá sơ sài nên chưa đạt được những yêu cầu về chất lượng sản phẩm do thị trường xuất khẩu đặt ra.

Hiện nay, năng lực chế biến ở giai đoạn sơ chế của toàn ngành chỉ mới đạt 20%, khâu tinh chế đạt 40% và đối với công nghệ sấy chất lượng cao chỉ đạt khoảng 20% yêu cầu chất lượng sản phẩm.

Thêm nữa, dù xuất khẩu nhiều nhưng trên thị trường thế giới, nhiều DN cà phê Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu nên còn gặp khó trong việc khẳng định chất lượng và độ tin cậy đối với các nhà nhập khẩu.

Trong khi đó, khi DN vay vốn để mua nguyên liệu xuất khẩu, ngân hàng đòi hỏi phải có sẵn hợp đồng đã ký kết mới được vay. Điều này dẫn đến việc DN phải thực hiện ký hợp đồng theo phương thức giao sau, giao xa khi chưa có hàng để được vay vốn.

Khi ký hợp đồng giao sau, thời hạn giao hàng thường 2-3 tháng, giá xuất khẩu được căn cứ vào giá giao dịch trên sàn London vào thời điểm giao hàng rồi trừ lùi 30-70USD/tấn. Dựa vào điểm yếu này, các nhà nhập khẩu thường lựa chọn những thời điểm có nhiều hợp đồng để liên kết đẩy giá giao dịch trên sàn London xuống nhằm thu mua với giá thấp.

Chính vì vậy, DN trong nước phải chịu thiệt kép khi mua nguyên liệu giá cao, chịu lãi suất cao nhưng bán giá thấp, khiến tình trạng vỡ nợ liên tiếp xảy ra đối với các DN cà phê suốt những tháng đầu năm 2012.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc CTCP Intimex Việt Nam, bắt đầu từ lúc thị trường mở cửa, ngành cà phê Việt Nam đã không có chiến lược cụ thể, chi tiết nên phát triển manh mún, mỗi DN làm một cách khiến các DN FDI lợi dụng để thu mua nguyên liệu với giá cao và nhà nhập khẩu luôn nắm quyền định giá.

Hiện các DN cà phê trong nước yếu ở tất cả các khâu, từ vốn, nguyên liệu đến phương thức bán hàng và quản lý rủi ro. Vì vậy, ngành cà phê rất cần Nhà nước hỗ trợ hoạch định chiến lược phát triển cụ thể và xây dựng những gói giải pháp hỗ trợ trực tiếp DN trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Khi những biện pháp này được triển khai, DN mới có thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và có được quyền chủ động khi ký hợp đồng xuất khẩu cà phê.

Các tin khác