Trong bối cảnh này, trao đổi với ĐTTC, TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 như đã đề ra, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ (CSTT), tháo gỡ những điểm nghẽn hấp thụ vốn, tăng sức chống chịu cho nền kinh tế...
PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhận định như thế nào về con số GDP được công bố, khi dữ liệu quý IV-2022 phản ánh sự sụt giảm sẽ bắt đầu thẩm thấu từ 2023?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Để làm rõ câu hỏi trên, chúng ta cần phân tích động thái phục hồi kinh tế nước ta sau đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2022. Trong 2 năm 2020-2021, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly để chống dịch, nên mức tăng trưởng bị sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2020, GDP chỉ tăng 3,98% và năm 2021 cũng tăng 2,58%, là mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua. Sự suy giảm các hoạt động kinh tế do các biện pháp hành chính (của cả thế giới) không phải do thị trường, nên khi các biện pháp đó được nới lỏng, bãi bỏ, hoạt động kinh tế phục hồi rất nhanh.
Cụ thể, kinh tế trong quý I-2022 bắt đầu phục hồi với mức tăng trưởng 5,05%, quý II tăng lên 7,83% và trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức 6,42%. Với đà này, quý III-2022 đã tăng 13,67% và kết quả trong 9 tháng năm 2022 GDP đạt mức tăng 8,83%. Tuy nhiên, từ quý IV-2022, do tác động rất bất lợi của thị trường thế giới và những biến động của thị trường tài chính và thị trường bất động sản (BĐS) trong nước, đà tăng trưởng kinh tế chung đã chựng lại. Kết quả quý này GDP chỉ tăng 5,92%, kéo giảm tốc độ tăng trưởng chung của cả năm ở mức 8,02%. Song nhìn vào động thái tăng trưởng kinh tế cho thấy, tuy năm 2022 đạt kết quả rất ấn tượng nhưng năm 2023 rất đáng lo.
- Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm khó khăn hơn. Riêng Việt Nam, UOB dự báo sự phục hồi này khó có thể bền vững và động lực tăng trưởng về tổng thể có thể suy giảm hơn nữa, do việc thắt chặt CSTT từ các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
- Trước hết tôi đồng tình với những nhận định của các định chế tài chính quốc tế về tình hình kinh tế thế giới năm 2023. Những điều đó đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Thực tế từ đầu quý IV-2022 đến nay, nhiều ngành công nghiệp như da giày, dệt may, gỗ gia dụng, điện tử… hoạt động giảm sút; nhiều doanh nghiệp (DN) đang sản xuất cầm chừng, giảm lao động, giảm giờ làm việc và lây lan sang nhiều ngành khác. Ngành xây dựng vẫn trì trệ do các dự án BĐS bị nghẽn. Đầu tư công triển khai chậm. Bên cạnh đó, những điểm nghẽn trong hấp thụ vốn chưa cải thiện đáng kể.
Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang đối diện với 2 khó khăn lớn: tốc độ tăng trưởng công nghiệp có xu hướng giảm dần, nhiều xí nghiệp thu hẹp sản xuất, giảm lao động do thiếu đơn hàng; thị trường tài chính và thị trường BĐS vẫn đang trong xu hướng trì trệ. Có lẽ đây là nguyên nhân chính Việt Nam chỉ đặt mức tăng trưởng GDP trong năm 2023 ở mức 6,5-7% so với 8,02% của năm 2022.
Cần phối hợp đồng bộ hơn giữa chính sách tài khóa và CSTT, tháo gỡ những điểm nghẽn hấp thụ vốn, tăng sức chống chịu cho nền kinh tế…
- Với bối cảnh đó, đâu sẽ là động lực tăng trưởng chính của năm 2023, thưa ông?
- Để nói về động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, cần nhìn lại các động lực tăng trưởng GDP trong năm 2022 và dư địa của nó như thế nào. Trong năm 2022, để GDP tăng 8,03%, khu vực nông nghiệp (gồm nông nghiệp, chăn nuôi, thủy-hải sản, lâm nghiệp) đóng góp 5,11% điểm, khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 38,24% điểm, và khu vực dịch vụ đóng góp 56,65% điểm. Trước hết, khu vực nông nghiệp tuy đóng góp thấp nhất trong cơ cấu giá trị gia tăng của nền kinh tế, nhưng nó vẫn có vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế và đang giữ được sự ổn định, vẫn là điểm sáng trong cơ cấu kinh tế.
Khu vực công nghiệp - xây dựng tuy có khó khăn trước mắt, nhưng có triển vọng phục hồi ở khoảng giữa năm 2022 đến giữa năm 2023, khi thị trường thế giới được cải thiện như nhiều dự báo, và nhất là triển khai nhanh các dự án đầu tư hạ tầng, đầu tư công.
Khu vực dịch vụ là động lực chính, trong đó thị trường nội địa vẫn có nhiều triển vọng hơn, các ngành du lịch, vận tải... dự kiến vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2022.
Vì vậy, tôi cho rằng tuy sẽ gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng nếu khơi thông tốt những điểm nghẽn về đầu tư, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, mục tiêu tăng GDP khoảng 6,5% trong năm 2023 vẫn khả thi.
- CSTT là một trong những yếu tố quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô của các nền kinh tế mở. Ông nhận định về điều hành CSTT trong năm 2022 và ông khuyến nghị gì cho năm 2023?
- Theo tôi, trong năm 2022 CSTT đã đạt được 2 mục tiêu chính: kiểm soát lạm phát, ổn định VNĐ, tỷ giá, ổn định hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP. Nhờ đạt được 2 mục tiêu trên, sự điều hành CSTT linh hoạt, thận trọng đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng chống chịu trước tác động của thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, trong quý IV-2022 sau “sự cố” về trái phiếu DN, nhiều NHTM chạy đua lãi suất huy động; siết tín dụng BĐS, tăng lãi suất cho vay... nên hiện nay thị trường vốn vẫn đang gặp khó khăn.
Trong năm 2023, tôi nghĩ vấn đề phục hồi niềm tin cho thị trường tài chính; cung cấp tín dụng có mục tiêu cần thiết cho các hoạt động kinh tế, trong đó có thị trường BĐS; hạ lãi suất huy động và cho vay theo Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ; phối hợp đồng bộ hơn giữa chính sách tài khóa và CSTT, tháo gỡ những điểm nghẽn để hấp thụ vốn nhằm tăng sức chống chịu của nền kinh tế và nhất là cho DN trước biến động kinh tế thế giới, là những vấn đề trọng tâm cần phải tập trung.
- Xin cảm ơn ông.