Tăng thuế để đảm bảo nguồn thu

Về cách tính thuế TTĐB, dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết đã nêu rõ trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng qua các công ty con, hoặc bán hàng qua các công ty con khác cùng công ty mẹ, công ty liên kết, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá các công ty con, công ty liên kết bán ra thị trường nhưng không thấp hơn 5% so với giá bán ra của nhà sản xuất.
 

Việc điều chỉnh tăng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong dự thảo nghị định từ mức không thấp hơn 10% hiện nay lên mức không thấp hơn 5% giá bán hàng hóa của nhà sản xuất, được kỳ vọng sẽ tăng nguồn thu ngân sách trong thời gian tới. Với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, giá tính thuế TTĐB bằng giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu.

Về cách tính thuế TTĐB, dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết đã nêu rõ trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng qua các công ty con, hoặc bán hàng qua các công ty con khác cùng công ty mẹ, công ty liên kết, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá các công ty con, công ty liên kết bán ra thị trường nhưng không thấp hơn 5% so với giá bán ra của nhà sản xuất.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB đã được Quốc hội thông qua từ cuối năm 2014, theo đó một loạt nhóm hàng như thuốc lá, rượu, bia, ô tô dưới 24 chỗ, tàu bay, du thuyền, xăng các loại… thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB 15-70% giá bán hàng hóa hoặc giá nhập khẩu hàng hóa cộng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn với mức giá tính thuế TTĐB khi góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Góp ý về thuế TTĐB với mặt hàng ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu tại hội thảo do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã không đề cập đến giá tính thuế TTĐB, mà cho rằng cần có sự công bằng giữa xe ô tô sản xuất trong nước và xe ô tô nhập khẩu.

Với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước giá bán phụ thuộc vào mô hình sản xuất phân phối của các nhà sản xuất. Có 2 trường hợp, nhà sản xuất và hệ thống phân phối là một, hoặc nhà sản xuất và hệ thống phân phối tách rời nhau.

Trường hợp tách rời, nhà sản xuất không phải chịu thuế TTĐB cho cả nhà phân phối; còn trường hợp là một, nhà sản xuất phải chịu thuế TTĐB cho cả nhà phân phối. VAMA đề xuất tính thuế TTĐB với xe ô tô sản xuất trong nước dựa trên giá xuất xưởng. Như vậy, giá xuất xưởng và giá CIF của nhà nhập khẩu sẽ chịu thuế TTĐB ngang bằng nhau.

Đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam lại băn khoăn, việc tăng thuế TTĐB sẽ làm giá thành thuốc lá tăng theo và dẫn đến nguy cơ thuốc lá nhập lậu tràn vào thị trường nội địa. Nếu không có chính sách phù hợp sẽ dẫn đến thất thu nguồn thuế. Hiện nay, mỗi năm các doanh nghiệp thuốc lá nộp ngân sách khoảng 15.000 tỷ đồng, trong khi thuốc lá lậu tuồn vào Việt Nam khoảng 6.000 tỷ đồng, nguy cơ thuốc lậu lấn sân trên thị trường khi tăng thuế TTĐB là rất lớn.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua phát sinh một số trường hợp lợi dụng việc miễn thuế TTĐB đối với một số mặt hàng chịu thuế TTĐB với thuế suất cao (như thuốc lá, xì gà, bia rượu) để đưa vào các khu phi thuế quan và có dân cư sinh sống, sau đó đưa vào nội địa bằng nhiều hình thức trốn thuế, gian lận thương mại. Mặt khác, nếu tiếp tục duy trì giá tính thuế TTĐB như hiện nay đối với các sản phẩm ô tô dưới 24 chỗ ngồi và điều hòa nhiệt độ công suất 90.000BTU, khi thuế nhập khẩu cắt giảm về mức 0% các sản phẩm này sẽ có lợi thế cạnh tranh về giá so với các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo nghị định cho rằng cơ sở để áp thuế TTĐB không thấp hơn 5% so với giá bán ra của nhà sản xuất dựa trên những thống kê về việc doanh nghiệp sử dụng khoản chênh lệch này để phục vụ cho việc phân phối sản phẩm.

Cơ quan soạn thảo ghi nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vấn đề không phải là giá tính thuế TTĐB không thấp hơn 10% hay không thấp hơn 5% giá bán của nhà sản xuất. Thời gian qua có doanh nghiệp chỉ sử dụng 3% chênh lệch để phát triển thị trường, nhưng muốn hưởng khoản chênh lệch không tính thuế là 10%.

Dự thảo nghị định về thuế TTĐB đã đưa đi lấy ý kiến của 15 bộ, 30 địa phương và hầu hết đồng ý với giá tính thuế TTĐB không thấp hơn 5% giá bán ra của nhà sản xuất. Quy định này nhằm đảm bảo lợi ích của các nhà sản xuất, cơ quan thuế cần có quyền ấn định giá tính thuế TTĐB để đảm bảo nguồn thu NSNN.

Trong quá trình soạn thảo nghị định về thuế TTĐB, Bộ Tài chính cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh từ các cơ quan thanh tra, kiểm toán về việc chấp hành chính sách thuế tại các địa phương. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận đã làm lệch lạc giá tính thuế của Nhà nước. Vì thế, vấn đề đặt ra là cần có chính sách minh bạch, với một cách hiểu đồng nhất giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Các tin khác