Tăng tín dụng ngoại tệ và những hệ lụy

Trong những tháng đầu năm 2014, tín dụng VNĐ tăng trưởng chậm thì tín dụng ngoại tệ đang có xu hướng tăng mạnh. Bởi hiện nay lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với lãi suất VNĐ, dù tỷ giá có tiếp tục tăng hết biên độ NHNN thông báo, vay USD vẫn có lợi hơn.

Trong những tháng đầu năm 2014, tín dụng VNĐ tăng trưởng chậm thì tín dụng ngoại tệ đang có xu hướng tăng mạnh. Bởi hiện nay lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với lãi suất VNĐ, dù tỷ giá có tiếp tục tăng hết biên độ NHNN thông báo, vay USD vẫn có lợi hơn.

Xu hướng vay USD

 

Theo báo cáo tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thanh khoản VNĐ của hệ thống NH tiếp tục được duy trì với tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79,9% đến cuối tháng 4-2014. Tuy nhiên, đối với ngoại tệ, thanh khoản đang chịu áp lực nhất định. Bởi tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 9,1%, nhưng cho vay ngoại tệ tăng 7,2% so với đầu năm. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 99,5%. Lãi suất USD liên NH cũng có xu hướng tăng kể từ đầu tháng 4, từ mức 0,3%/năm lên khoảng 0,5%/năm.  Ngày 19-6, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD với mức tăng 1%.

Mục tiêu điều chỉnh tỷ giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo điều kiện ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Với mức điều chỉnh đó, thị trường kỳ vọng sẽ đón một nguồn cung dồi dào bởi người dân và doanh nghiệp (DN) đang nắm USD sẽ bán ra. Nhưng trên thực tế, giao dịch ngoại tệ trên thị trường vẫn rất trầm lắng, trong khi đó xu hướng vay ngoại tệ vẫn nóng lên.

NHNN đã nhiều lần phát đi thông điệp cần giảm lãi suất để DN vay tiền đồng có lợi hơn. Tuy nhiên, cho đến nay mức giảm vẫn nhỏ giọt và NH vẫn “nhìn mặt cho vay”. Trước tình trạng tín dụng ngoại tệ đang tăng lên trong khi tín dụng VNĐ tăng chậm, nhiều ý kiến cho rằng các TCTD nên xem xét giảm thêm lãi suất cho vay VNĐ để DN giảm được áp lực chi phí khi vay vốn và hệ thống NH tránh được rủi ro thanh khoản ngoại tệ.

Nhiều nhận định liên quan đến vấn đề tín dụng đưa ra gần đây đều cho rằng đến thời điểm này khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn rất thấp, các DN hầu như phản ứng rất yếu ớt với chính sách nới lỏng tín dụng mặc dù lãi suất đã có xu hướng giảm tương đương những năm trước suy thoái.

Thanh khoản VNĐ của hệ thống NH rất dồi dào trong khi gia tăng dư nợ tín dụng thấp cho thấy dòng tiền tiếp tục bị kẹt trong hệ thống và đang được các NH sử dụng để mua các tài sản có giá khác, mặc dù lãi suất thấp so trái phiếu chính phủ hay tín phiếu NHNN. Trái ngược với tình trạng khó khăn đầu ra của VNĐ, thống kê đến giữa tháng 6-2014, cho thấy vay ngoại tệ đã tăng xấp xỉ 10% so với cuối năm ngoái. Đáng chú ý hơn là cho vay tăng nhưng huy động tiền gửi ngoại tệ giảm hơn 4%.

Cần tạo sức hút cho VNĐ

Theo TS. Lê Thẩm Dương (Trường Đại học NH TPHCM), các DN có xu hướng vay ngoại tệ là do nền kinh tế nước ta ưu tiên xuất khẩu, hơn nữa tỷ giá tăng chỉ 1% nên các DN vẫn thấy có lợi khi vay ngoại tệ. Phó tổng giám đốc một NHTM cho biết lãi suất vay USD thấp hơn lãi suất VNĐ khá nhiều, hiện vay USD ngắn hạn chỉ khoảng 3-6%/năm, trung và dài hạn 5,5-7%/năm, trong khi lãi suất cho vay VNĐ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn và 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn.

Như vậy với kỳ hạn ngắn, mức chênh lệch lãi suất vay USD và VNĐ từ 4-6% và 5% đối với kỳ hạn trung và dài hạn, trong khi NHNN thông báo tỷ giá trong năm 2014 chỉ tăng không quá 2% nên các DN xuất khẩu chuyển hướng vay ngoại tệ sau đó chuyển sang VNĐ để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Việc tín dụng ngoại tệ tăng mạnh đang được nhiều chuyên gia cảnh báo về những hệ lụy. Bởi thời điểm năm 2009, lãi suất USD thấp hơn lãi suất VNĐ nên các DN đổ xô vay ngoại tệ sau đó chuyển sang tiền đồng. Năm 2010, tín dụng VNĐ chỉ tăng 25,3% trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%, trong báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam rơi vào tình trạng đô la hóa tín dụng.

 Để thoát khỏi tình trạng đó, NHNN đã siết tín dụng ngoại tệ thông qua việc đưa ra 6 yêu cầu đối với các TCTD khi cấp tín dụng ngoại tệ, triển khai mạnh các giải pháp chống đô la hóa nền kinh tế, tăng cường dự trữ ngoại hối, duy trì cán cân thương mại hợp lý để nâng vị thế tiền đồng. Cuối năm 2013, NHNN tiếp tục ban hành Thông tư 29/2013/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, các TCTD xem xét cung cấp vốn cho 4 nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư ra nước ngoài có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay. Thông tư này nhằm hạn chế đối tượng vay ngoại tệ, điều này cần thiết bởi có tình trạng nhiều DN vay ngoại tệ để bán ra thị trường tự do hưởng chênh lệch, gây khan hiếm USD trong các NHTM trong khi trên thị trường tự do lại dồi dào. Tuy nhiên, khi chênh lệch lãi suất vay USD và VNĐ vẫn còn cao thì khả năng các DN trong nước vay USD vẫn còn cao.

Hiện nay, đa số các DN sản xuất kinh doanh vừa bán tại thị trường nội địa và vừa để xuất khẩu, nên số DN thuộc diện được vay USD rất lớn. Từ tháng 3, NHNN đã hạ trần lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 6%/năm, hạ lãi suất huy động ở các kỳ hạn trung và dài hạn. Song lãi suất cho vay VNĐ vẫn còn ở mức cao, nhiều DN phản ánh muốn vay lãi suất ngắn hạn 9%/năm để sản xuất kinh doanh phải chờ NH thẩm định 6-8 tháng mới duyệt cho vay. 

Các tin khác