Tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải đảm bảo chất lượng

(ĐTTCO) - Ngày 2-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp trực tuyến với tất cả các địa phương để bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm.

Tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải đảm bảo chất lượng
Khó xảy ra chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm
Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, qua 1/2 chặng đường của năm 2018, kinh tế đạt tốc độ đáng khích lệ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Tuy vậy, để đạt được mục tiêu kịch bản tăng trưởng đề ra 6,7%, cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý 3 và 6,36% vào quý 4. Một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2018 ở mức khá, ví dụ Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,6% và là mức tăng tốt nếu so sánh với các nước trong khu vực. 
Về những dự báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng 10 năm theo chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam (như các đợt khủng hoảng đã xảy ra năm 1997 - 1998, năm 2007 - 2008 và có thể xảy ra trong 2 năm 2017 - 2018), theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam hiện nay khó có thể xảy ra chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm như nhiều cảnh báo.
Ông Dũng phân tích các đợt khủng hoảng trên diễn ra chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hiện tín dụng của ngân hàng tăng trưởng và kiểm soát tốt; thanh khoản của các ngân hàng thương mại tốt; thị trường chứng khoán ổn định, thị trường nhà đất và tín dụng cho bất động sản đã được kìm nén, giải quyết tốt... Các nguy cơ khách quan để phát sinh khủng hoảng đã được để ý, theo dõi và có thống kê cụ thể.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, chính sách của Chính phủ đã đúng đắn, kịp thời ứng phó trước các nguy cơ và lường trước những yếu tố phát sinh khủng hoảng và khó có thể xảy ra khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm như các dự báo. Song, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương lưu ý các yếu tố có thể phát sinh khủng hoảng để không chủ quan với tình hình và nguy cơ như dự báo.
Nắm sát dân, không để bị động
Tại hội nghị, bên cạnh kinh tế, các vấn đề xã hội nảy sinh thời gian qua cũng được thảo luận. Từ vụ bạo động xảy ra ở Bình Thuận thời gian qua, báo cáo của Văn phòng Chính phủ đã chỉ ra chính quyền địa phương ở một số địa phương còn chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, còn bị động trong xử lý tình huống phức tạp, phát sinh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, sau khi vụ việc xảy ra, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh đã ổn định. Hiện tỉnh và Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo củng cố các chứng cứ, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, chủ mưu và đã khởi tố vụ án, bị can, đã bắt 32 đối tượng và sẽ xử lý nghiêm để răn đe. Bình Thuận sẽ xử lý quyết liệt, triệt để, có trách nhiệm trước dân, đặc biệt rà soát chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết triệt để khiếu nại tố cáo, những vụ việc tồn đọng gây bức xúc trong nhân dân, nhất là tại trung tâm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, khi xảy ra các tình huống phức tạp về an ninh trật tự tại đơn vị, địa phương nào thì cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nơi đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, giải quyết theo phương châm “4 tại chỗ”. Bí thư tỉnh ủy, thành ủy là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất tại địa phương; lực lượng công an, quân đội giữ vai trò tham mưu, nòng cốt trong thực hiện các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Bộ trưởng Công an cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải quyết những yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.
“Tăng cường đối thoại với nhân dân, rà soát những bức xúc có thể hình thành những điểm nóng trên cơ sở giải quyết dứt điểm, bảo đảm hài hòa lợi ích, không để xảy ra phức tạp. Quyết tâm những tháng cuối năm không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh hiện thường xuyên có việc kêu gọi tụ tập đông người trên mạng, vì thế các địa phương không được lơ là, chủ quan. Các địa phương cần xây dựng lực lượng vững mạnh tại cơ sở, nắm chắc tình hình trên địa bàn, không để bị động, không để xảy ra điểm nóng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng sự việc trong hai ngày 10 và 11-6 tại Bình Thuận vừa qua là bài học kinh nghiệm chung cho các địa phương khác trong việc giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Thủ tướng khẳng định Nhà nước có đủ khả năng, điều kiện giữ gìn, thiết lập trật tự xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, để đất nước phát triển đúng hướng.
“Chúng ta không được để kẻ xấu kích động nhân dân. Lực lượng chức năng cơ bản chủ động nhưng một số tỉnh còn chủ quan, điều này cần lưu ý để các tỉnh, thành thấy an ninh trật tự là việc quan trọng, là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường đầu tư, phát triển kinh tế xã hội”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải đảm bảo kỷ cương phép nước, “dân chủ nhưng phải tập trung, dân chủ với số đông, với nhân dân nhưng phải kiên quyết xử lý kẻ xấu kích động”.
4 nguyên nhân khiến đất nước vẫn trì trệ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tăng trưởng kinh tế cao hơn nhưng phải bảo đảm chất lượng; phải có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay. Thủ tướng nhắc lại chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Đề cập đến việc thời gian qua xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, Thủ tướng nêu rõ không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ với tư cách là lãnh đạo của ngành, địa phương trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước. “Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu 3 vấn đề trong lĩnh vực xã hội là thiên tai, vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề bức xúc xã hội khác, Thủ tướng nói: “Chúng ta không để tình trạng xã hội bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của đất nước, niềm tin của nhân dân, đến thế hệ mai sau. Cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là yêu cầu cần thiết đối với mọi cấp, mọi ngành”.
Thủ tướng chỉ ra 4 nguyên nhân khiến đất nước vẫn trì trệ: chưa tuân thủ đúng quy luật kinh tế thị trường; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực còn lớn; bệnh quan liêu xa dân.
“Nói vậy để các ngành; các cấp phải suy nghĩ, khắc phục được những nguyên nhân, yếu kém nhằm hoạt động hiệu quả hơn”, Thủ tướng nói. Thủ tướng đồng thời yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Cán bộ không được ôm việc, ôm lợi ích “không gặp tôi không xong”. Thủ tướng cũng cảnh báo tình trạng đang có sức ỳ trong bộ máy, có cũng được, không có cũng được, sức ỳ cải cách còn lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: phải nắm dân, phải xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, không để xảy ra bị động như vừa rồi. Các địa phương phải quan tâm đến vấn đề đối thoại với dân, giải quyết khiếu nại của dân, trong đó có vụ khiếu nại về khu đô thị Thủ Thiêm phải giải quyết dứt điểm.
TPHCM kiến nghị được ứng vốn ODA để thực hiện các dự án trọng điểm
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, nêu: để tạo điều kiện cho thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận giao thành phố quyết định chủ trương đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn (TPHCM hiện có 42 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố đang trình các cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư như.
Cùng với đó, TP kiến nghị Thủ tướng cho ứng vốn ODA cấp từ ngân sách trung ương, phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố, đặc biệt là các dự án xây dựng đường sắt đô thị tại TPHCM (tuyến metro số 1, metro số 2, dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2). Đồng thời, cho phép thành phố giải ngân kế hoạch vốn ODA hàng năm theo tiến độ cấp vốn của các nhà tài trợ nước ngoài theo quy định Điều 76 Luật Đầu tư công.

Các tin khác