Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định sẽ tăng thuế tiêu dùng (VAT) từ mức 5% hiện nay lên 8% từ tháng 4-2014 và lên 10% vào cuối năm 2015 nhằm làm dịu nợ công. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng biện pháp này chỉ như muối bỏ biển.
Quyết định tăng thuế dự kiến được công bố chính thức vào đầu tháng 10. Ông Abe cũng sẽ tung ra một gói kích cầu trị giá khoảng 5.000 tỷ (50 tỷ USD) để giảm bớt các tác động bất lợi của việc tăng thuế tiêu dùng. Hiện tại, Nhật Bản đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng, trong đó có cả sức ép từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về việc phải giảm bớt mức nợ công.
Nợ công của Nhật Bản vừa chạm ngưỡng 1 triệu tỷ yen (khoảng 10.000 tỷ USD), tương đương hơn 240% GDP của nước này, cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển, bỏ xa Hy Lạp (179%) và Hoa Kỳ (108%). Chỉ riêng việc trang trải chi phí cho núi nợ này đã ngốn mất gần 1/4 ngân sách. Chưa kể, chương trình phúc lợi của Nhật Bản nằm trong top hàng đầu quốc tế, lên tới 22,3% GDP trong năm 2010, so với 19,8% của Hoa Kỳ, 23,8% của Anh và 27,1% của Đức, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhật Bản tăng thuế VAT vẫn không đủ bù đắp chi phí phúc lợi ở đất nước dân số |
Ở Nhật Bản, quốc gia già hóa nhanh nhất trên thế giới với 1/4 dân số là người trên 65 tuổi, phúc lợi là khoản chi tiêu lớn nhất và gia tăng nhanh nhất. Lực lượng lao động giảm đi đang thu hẹp đóng góp vào hệ thống phúc lợi xã hội, trong khi sự bùng nổ số lượng người về hưu thổi phình chi tiêu của chính phủ.
Bất kỳ sự cải thiện doanh thu nào của chính phủ từ việc tăng thuế cũng sẽ bị lấn át bởi chi phí phúc lợi cho một xã hội đang già hóa nhanh chóng mà dịch vụ công cộng hào phóng đang ngoạm một lỗ lớn chưa từng thấy trong ngân sách. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giả sử ông Abe quyết định tăng thuế VAT trong năm 2014 và sau đó gia tăng lần thứ hai lên đến 10% trong năm 2015, tiền thuế thu được mỗi năm khoảng 13.500 tỷ yen.
Trong lúc đó, chính phủ chi tiêu vào phúc lợi xã hội 29.000 tỷ yen cho năm tài chính này và có thể phình lên 35.000 tỷ yen trong 3 năm nữa. Do đó, việc tăng thuế mặc dù có thể kéo chậm lại tốc độ thâm hụt nhưng vẫn không thể bắt kịp chi tiêu và càng chẳng làm suy chuyển được núi nợ công khổng lồ.
Trong khi đó, người cao tuổi sẽ mang gánh nặng khi chi phí chữa trị ngoại trú của họ sẽ tăng gấp đôi lên 20% từ lúc áp dụng thuế mới. Chính phủ Nhật Bản đang tăng dần tuổi nghỉ hưu từng bước từ 60 lên 65 và sẽ hoàn thành vào năm 2030.
Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng tốc độ thay đổi quá thong dong nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ Nhật Bản muốn đi nhanh hơn. Thậm chí, Hiroshi Miyazaki, nhà kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, lo ngại “chính phủ sẽ mất động lực cắt giảm chi tiêu một khi thấy có sự gia tăng trong doanh thu thuế”. Nợ công Italia dự kiến đạt khoảng 131% GDP năm 2013 mà quốc gia này đã phải tính chuyện tăng thuế VAT tới 22% từ ngày 1-10.
Với tình hình Nhật Bản, Takatoshi Ito, người đứng đầu ban cố vấn của Quỹ đầu tư hưu trí chính phủ (GPIF) lớn nhất thế giới 121.000 tỷ yen (1.230 tỷ USD), cho rằng tới năm 2020, thuế tiêu thụ sẽ phải tăng gấp 4 lần mức hiện nay (20%) mới có thể đáp ứng chi phí phúc lợi và kìm hãm nợ công.