Mới đây VPBank đưa ra kế hoạch tăng thêm vốn năm 2013 hơn 577 tỷ đồng, lên 6.347 tỷ đồng, thông qua việc phát hành thêm 57,741 triệu cổ phiếu để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 9,53%) và chia cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 0,47%) cho cổ đông.
Nguồn dùng để tăng vốn bao gồm: chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2012 còn lại chưa phân phối hết gần 550 tỷ đồng, chia cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ gần 28 tỷ đồng.
Nếu tăng vốn mà không sử dụng vốn hiệu quả trong điều kiện tín dụng tăng trưởng còn chậm, áp lực lợi nhuận đặt ra càng cao với các NHTM. |
Tại ĐHCĐ, một số cổ đông mong muốn việc chia cổ tức nên bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo, quy mô và các chỉ số an toàn vốn là những yếu tố quan trọng để tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động tiền để tăng vốn rất khó khăn, nên VPBank chỉ còn trông vào các cổ đông hiện hữu.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc, cho rằng nếu đến tháng 10 VPBank không thể tăng vốn sẽ không có cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh. Còn nếu khi phương án tăng vốn điều lệ này hoàn toàn tất sẽ giúp cải thiện các chỉ số, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả vốn cho NH.
Một NHTM khác có kế hoạch tăng vốn từ chia cổ tức là BIDV. Cụ thể, dự kiến trong quý II-2013, BIDV sẽ phát hành 113,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 4,93%. Đồng thời dành 405,8 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 17,63%, với giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu.
BIDV cho biết mục đích của việc phát hành là để nâng cao năng lực hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời đảm bảo các quy định của NHNN về đảm bảo an toàn hoạt động.
|
Giao dịch tại VPBank. Ảnh: LONG THANH |
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, cho biết việc không trả cổ tức bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu do nhu cầu tăng vốn của NH lớn. Vốn của BIDV từ lúc IPO đến nay vẫn giữ nguyên, so với VietinBank và VCB rất thấp.
Trong khi đó, BIDV muốn mở rộng quy mô vốn đến năm 2015 là 5.100 tỷ đồng, nhưng phần vốn nhà nước cấp cho BIDV đến nay là 3.866 tỷ đồng, không thể đáp ứng lộ trình tăng vốn này. Ngoài ra, năm 2013 rất khó khăn, trong khi kết quả làm ra vẫn dành cho dự phòng rủi ro theo tỷ lệ 10 đồng phải trích lập 7 đồng.
Năm nay, Sacombank cũng đưa kế hoạch tăng vốn thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức 14% cho năm 2011; phát hành cổ phiếu cho cán bộ 3%; chuyển nhượng cổ phiếu quỹ, phát hành thêm cho cổ đông chiến lược nước ngoài tỷ lệ 20% và phát hành cổ phiếu thưởng 15% chưa thực hiện được trong năm 2012.
Tính chung tổng vốn chủ sở hữu tăng thêm khoảng 10.240 tỷ đồng được dùng để đầu tư vào tài sản cố định, bổ sung vốn, thành lập mới các đơn vị trực thuộc, đưa vào kinh doanh sinh lời... Có thể thấy, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các NHTM bổ sung vốn trong kinh doanh, đồng thời có cơ hội mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ, mở rộng hạn mức cho vay các dự án lớn…
Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận đặt ra trên vốn điều lệ tăng thêm trong năm 2013 có tỷ lệ rất thấp. Đây là lý do các cổ đông không vui khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi lẽ hiện nay cổ phiếu nhiều NHTM vẫn chưa niêm yết trên sàn, tính thanh khoản không có. Nếu tăng vốn bằng cổ phiếu, cổ đông khó hiện thực hóa ngay nguồn lợi tức khi có nhu cầu sử dụng vốn.