Tạo chỗ đứng hàng Việt ở chợ truyền thống

Tại hội thảo “Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại - Cần một chiến lược lâu dài” diễn ra ngày 18-9 nhân 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều chuyên gia cho rằng trong khi kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) đã trở thành những điểm bán hàng quan trọng phân phối hàng Việt, thì vị trí hàng Việt trong các chợ truyền thống lại chưa xác định được.

Nghịch lý này tồn tại một phần do các loại thực phẩm độc hại, hoa quả kém chất lượng… từ nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, đang là một thách thức không nhỏ đối với DN, người sản xuất trong nước. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ hàng nội địa chiếm bao nhiêu phần trăm so với các sản phẩm nhập ngoại trên thị trường lại chưa được nghiên cứu, thống kê chuẩn xác.

Điều này càng khiến việc chiếm lĩnh thị trường của DN nội tại các chợ truyền thống thêm khó khăn, nhất là khi thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng Việt Nam vẫn thông qua phương thức truyền thống này.

 Vì thế, để kênh bán lẻ truyền thống phát triển, cũng như để hàng hóa trong nước có sức cạnh tranh hơn, cần đi từ gốc vấn đề là phải có sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý cho từng phân khúc thị trường, bởi không có sản phẩm nào có thể hài lòng tất cả mọi người.

Cần tập trung hỗ trợ nguồn lực cho những sản phẩm ưu tiên, có sự cạnh tranh, có chiến lược truyền thông liên tục và đổi mới từ quan điểm, cách làm từ Nhà nước, DN, hiệp hội. Bên cạnh đó là hỗ trợ DN phân phối - bán lẻ trong xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, để tăng độ “phủ sóng” hàng hóa Việt Nam trên thị trường, thời gian tới, Nhà nước cần có các giải pháp như: hỗ trợ đào tạo; tư vấn pháp lý; xúc tiến thương mại; ưu đãi thuế, phí, vốn; hỗ trợ tiếp cận công nghệ hiện đại của các tập đoàn tiên tiến trên thế giới; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường…

Nhà nước cần áp dụng các chế tài mạnh để thực hiện triệt để chủ trương, chính sách hỗ trợ DN trong nước đầu tư, mở rộng và chuyển mô hình kinh doanh như: dẹp chợ cóc, chợ tạm, các lò mổ, cơ sở chế biến hàng tiêu dùng thiết yếu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, đặc biệt là hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, theo các DN, để hàng hóa Việt thực sự có sức cạnh tranh, cần xúc tiến thị trường nội địa kết nối người nông dân với thị trường và các kênh phân phối hiện đại, cũng như các nhà sản xuất với nhà bán hàng để lược bỏ các khâu trung gian nhằm có giá bán hợp lý.

Các tin khác