Song với đặc thù của nhóm DN này là thiếu tài sản đảm bảo, nếu được tháo gỡ khó sẽ giúp nhiều DN có cơ hội vay vốn kinh doanh để lớn lên.
Linh hoạt điều kiện
VietCapital Bank cho biết đang có chương trình hỗ trợ chủ DN nhỏ và siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất, thanh toán chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, điện, nước…
Tham gia chương trình này, DN nhỏ và siêu nhỏ có thể vay ưu đãi với tỷ lệ 80-200% trên giá trị tài sản bảo đảm, lãi suất giảm 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Đối với những DN nhỏ và siêu nhỏ có hoạt động kinh doanh ổn định đang tìm nguồn vốn không tài sản bảo đảm, sẽ được hỗ trợ mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 1%/tháng với thời hạn vay tối đa 1 năm.
Chương trình hỗ trợ DNNVV, DN siêu nhỏ như VietCapital Bank vừa triển khai đang được các NHTM chú trọng trong vài năm gần đây, khi cho vay DN lớn đã bộc lộ nhiều rủi ro. Theo đó, các NH đã đầu tư nhiều chương trình, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tín dụng của nhóm DN này. Chẳng hạn, ở VPBank, DNNVV, DN siêu nhỏ sẽ được tiếp cận rất nhiều chương trình hỗ trợ vốn được thiết kế phù hợp với từng đối tượng DN.
Hay tại Maritime Bank, DN siêu nhỏ được vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất từ 8%/ năm và hạn mức vay lên tới 96% tài sản đảm bảo. Đồng thời, NH đưa ra nhiều quy định như hồ sơ, thủ tục đơn giản, phê duyệt hồ sơ chỉ trong 3 ngày làm việc, thời hạn vay tối đa 6 tháng, tài sản thế chấp đa dạng, linh hoạt như bất động sản, phương tiện vận chuyển, thời gian thành lập DN chỉ từ 1 năm trở lên… để DN thuận lợi tiếp cận vốn.
Đáng chú ý, xem DNNVV là khách hàng lớn cũng đang là mục tiêu của các NHTM lớn. Hồi cuối năm 2017, lãnh đạo Vietcombank cho biết DNNVV là đối tác quan trọng của NH này thời gian tới và sẽ đưa ra những giải pháp kết nối NH và DNNVV. Vietcombank sẽ có bộ phận chính sách và quan hệ khách hàng riêng để phục vụ đối tượng này, với mục tiêu tăng tỷ trọng dư nợ cho vay DNNVV và khách hàng cá nhân lên tới 45% tổng dư nợ.
Tại BIDV, số lượng DNNVV đạt khoảng 236.000 khách hàng trong năm 2017, tăng trưởng 14%, chiếm 98% tổng số khách hàng DN của NH. Hiện BIDV cũng có nhiều ưu đãi cho khối DN này, điển hình là gói 10.000 tỷ đồng cho vay DN nhỏ và siêu nhỏ với lãi suất chỉ từ 5,5%/năm, hạn mức cho vay được linh hoạt tính theo dòng tiền, nhận nhiều loại tài sản thế chấp như động sản, hàng tồn kho, các khoản thu... để tăng hạn mức cho DN. VietinBank cũng liên tục kéo dài thời hạn thực hiện chương trình Hợp tác vươn xa với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm, dành cho DN nhỏ, mang đến cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cần thêm ưu đãi tín chấp
Cần thêm ưu đãi tín chấp
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Kim Sa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương, đặc thù công ty là hoạt động trong lĩnh vực môi trường, nên việc tiếp cận nguồn vốn luôn gặp khó khăn. Trước đây, khi tiếp cận nguồn vốn từ NH hay các công ty quản lý quỹ, DN phải chịu áp lực về lãi suất và tài sản thế chấp. Còn khi gõ cửa các NHTM, những chính sách và điều kiện đưa ra cũng ít nhiều gây khó khăn cho Đông Dương, nhất là về tài sản đảm bảo.
Song năm 2017, Đông Dương đã tiếp cận được vốn vay từ gói 3.000 tỷ đồng của DongABank khi được tạo điều kiện về tài sản đảm bảo, có thể thế chấp bằng thiết bị máy móc, phương tiện vận chuyển để vay vốn. Nhờ đó áp lực về vốn cũng đã giảm đi rất nhiều và nguồn lãi suất cũng thấp nên tạo điều kiện cho công ty cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt hơn.
Trao đổi với ĐTTC, ông Hà Huy Cường, Phó Tổng giám đốc ABBank, cho biết khi tiếp cận vốn, DNNVV quan tâm nhất là có nguồn vốn để vay hay không, phê duyệt vay vốn nhanh hay không. Đồng thời, ưu đãi tài sản đảm bảo là điều kiện rất cần thiết đối với DNNVV, bởi họ không có tài sản đảm bảo. Vì vậy, các NH cũng linh hoạt đa dạng tài sản đảm bảo cũng giúp cơ hội vay vốn của DN mở rộng hơn.
Ngoài ra, nhiều NH cũng đang đẩy mạnh vay tín chấp để hỗ trợ DNNVV. Theo đó, những DN hoạt động ổn định 3-4 năm sẽ phù hợp với vay tín chấp, còn các DN mới thành lập 1-2 năm cần có chính sách hỗ trợ để DN lớn lên. Cụ thể, những DN mới thành lập được hỗ trợ như cho vay tín chấp, cho vay vượt tài sản đảm bảo dựa trên ngành nghề hoạt động, năng lực điều hành của chủ DN...
Để đẩy mạnh cho vay tín chấp, các NH phải tăng cường nhân lực, đào tạo kỹ năng quan hệ khách hàng tốt, xây dựng bộ phận giám sát, thu hồi và xử lý nợ hoạt động hiệu quả. Bởi lẽ hiện nay nhiều nhân viên NH không dám cho vay tín chấp dù NH đã triển khai chương trình này đối với DNNVV, DN siêu nhỏ. Nguyên nhân do nhân viên nhiều NH khi cho vay phải gánh trên lưng trách nhiệm xử lý nợ, dẫn đến việc quá thận trọng khi cho vay.
Điều này làm cản trở cơ hội tiếp cận vốn của DN và cá nhân để sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm. Theo đó, nhân viên tín dụng khi tìm kiếm khách hàng và cho vay cần thực hiện đúng quy trình, làm đúng như hướng dẫn của NH, trường hợp khoản vay đó trở thành nợ xấu, NH sẽ chịu, nhân việc không phải quá lo lắng việc này. Tất cả cũng nhằm giúp DNNVV, DN nhỏ được vay tín chấp để ổn định và phát triển kinh doanh.