Tạo động lực mới cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Ngày 29-4 tới, tại TPHCM sẽ diễn ra hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Đây là cuộc gặp gỡ được doanh nghiệp kỳ vọng từ sau lần khởi xướng năm 2004. Trao đổi với ĐTTC, ông Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết:

(ĐTTCO) - Ngày 29-4 tới, tại TPHCM sẽ diễn ra hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Đây là cuộc gặp gỡ được doanh nghiệp kỳ vọng từ sau lần khởi xướng năm 2004. Trao đổi với ĐTTC, ông Vũ Tiến Lộc (ảnh), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết:

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có một chương trình hành động để thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp, đồng thời khôi phục, khơi dậy niềm tin của doanh nghiệp, thông qua việc kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, cố gắng để mức lạm phát năm tới không vượt quá 4%. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ có chương trình hành động thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp trong cả nhiệm kỳ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để làm sao trong thời gian tới Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất trong các nước ASEAN. Đặc biệt, những biện pháp cải cách thủ tục hành chính rất quan trọng với doanh nghiệp trong giai đoạn tới, do đó doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đẩy mạnh cải cách lĩnh vực này để giảm chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, kể cả chính thức và phi chính thức.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đẩy mạnh việc giám sát, thúc đẩy Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và sớm trình Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

PHÓNG VIÊN: - Doanh nghiệp đánh giá ra sao về những cải thiện của môi trường kinh doanh thời gian qua, thưa ông?

Ông VŨ TIẾN LỘC: - Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, của một số bộ, cơ quan và địa phương trong thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, thuế. Doanh nghiệp ngày càng kỳ vọng nhiều vào việc thực thi Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp chưa được các bộ, cơ quan giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết, đặc biệt trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Thống kê mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết có đến gần 6.000 giấy phép con đang hành doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về những lực cản này và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp với vấn đề này ra sao?

- Thống kê của chúng tôi lại cho thấy, hiện có đến 7.000 giấy phép con, một nửa trong số đó không còn hợp lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất lo lắng về những trở ngại tại các loại giấy này. Tuy nhiên, những điều kiện kinh doanh trong các văn bản cấp thông tư trở xuống sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-7 tới - thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực quy định về vấn đề này. Tôi rất lấy làm lạ, là ngoài những điều kiện kinh doanh được quy định bằng những thông tư trước đây, một số bộ, ngành vẫn ban hành những loại giấy phép con, coi như không có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Vì thế, cần phải rà soát chặt chẽ để đảm bảo tính nhất quán và tiến hành thường xuyên trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị được tổ chức tại Hội trường Thống nhất TPHCM, với khoảng 500 đại biểu tham dự và trực tuyến với 62 điểm cầu của 62 địa phương. Tham gia ở các điểm cầu là lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp với số lượng 50-100 đại biểu ở mỗi điểm cầu. Sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. Nghị quyết này sẽ được trình Chính phủ thảo luận và thông qua vào đầu tháng 5.

Thực tế hiện nay môi trường kinh doanh nước ta chưa thuận lợi, kém thân thiện và còn thiếu an toàn. Trong đó, yếu tố an toàn đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư, doanh nhân, người dân. Niềm tin của doanh nhân phải được đảm bảo bởi tính an toàn của môi trường kinh doanh.

- VCCI chuẩn bị gì cho hội nghị sắp tới và ông kỳ vọng gì ở Chính phủ?

- Các nội dung chính của hội nghị là đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; tập trung xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giải quyết hiệu quả các kiến nghị của doanh nghiệp. VCCI được giao chuẩn bị báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng, nêu các kiến nghị của doanh nghiệp và của VCCI. Những nội dung này được gửi về Bộ Kế hoạch - Đầu tư trước để tổng hợp, đồng thời gửi các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trả lời theo thẩm quyền; gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, VCCI phối hợp với UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM soạn thảo cam kết về tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn. Một điểm quan trọng trong hội nghị này là Thủ tướng Chính phủ sẽ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TPHCM ký cam kết với VCCI trước sự chứng kiến của Thủ tướng về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Chúng tôi kỳ vọng hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp  vào ngày 29-4 tới mang ý nghĩa như "Hội nghị Diên hồng", và sẽ đưa ra thông điệp của Thủ tướng: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế. Chính phủ sẽ tạo thuận lợi lớn nhất cho phát triển kinh doanh và tạo môi trường cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển.

-  Xin cảm ơn ông.

Các tin khác