![]() |
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012-2013 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 75 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.
Với kết quả này, theo đánh giá của WEF, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tụt 10 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, trở thành nước đứng áp chót về năng lực cạnh tranh trong số 8 quốc gia ASEAN được lựa chọn khảo sát (chỉ hơn Campuchia).
Trong số 12 nhóm chỉ tiêu được WEF sử dụng để đánh giá, Việt Nam tụt hạng ở 9 nhóm, trong đó có một số nhóm quan trọng như ổn định kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng… Đây quả là thông tin đáng buồn, nhất là trong bối cảnh kinh tế năm 2012 đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nhận định về việc năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị tụt hạng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết WEF đã sử dụng những số liệu được lấy từ năm 2011, tính toán và đưa ra báo cáo vào thời điểm hiện nay.
Năm 2011, lạm phát của Việt Nam ở mức 2 con số, tình hình vĩ mô chưa có nhiều diễn biến tích cực nên mới có kết quả Việt Nam bị tụt hạng. Từ đó đến nay, theo quan sát của WB, Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, đã kiềm chế lạm phát ở mức một con số.
Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại Việt Nam phải giải quyết, như nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống cầu cảng để giúp tàu thuyền đi lại dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, đào tạo kỹ năng phù hợp.
Khảo sát của WB cho thấy có nhiều doanh nghiệp đang thực sự cần lao động, nhưng không tuyển được lao động có kỹ năng, tay nghề theo yêu cầu.
Nhìn thẳng vào thực tế, đánh giá về năng lực cạnh tranh Việt Nam nêu trên có thể chưa thỏa đáng nhưng cũng cần soi xét lại chính mình. Trên số đặc biệt ra ngày 30-8, báo ĐTTC đã có bài cảnh báo về sức cạnh tranh suy giảm của môi trường kinh doanh.
Trong đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất ổn vĩ mô đang tàn phá môi trường kinh doanh, đầu tư dữ dội nhất. Vì thế, việc tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô đang được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Trong một nhận định mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho rằng môi trường kinh doanh nước ta thực sự đang vô cùng khó khăn, thậm chí là thời điểm khó khăn nhất, kể từ khi chúng ta thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế.
Những khảo sát gần đây của VCCI cho thấy cuối năm ngoái doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế vào cuối năm 2012, nhưng hiện tại kỳ vọng này đang bị đẩy xa hơn.
Vài năm trở lại đây, lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, bất ổn kinh tế vĩ mô đã khiến nhiều doanh nghiệp thực sự không còn dám nghĩ xa. Bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài, một số chính sách điều hành mang tính tình thế, cộng với hàng loạt sự kiện bất ổn diễn ra trong hệ thống ngân hàng, tài chính và các doanh nghiệp quy mô lớn, kéo theo nhiều doanh nghiệp đang rơi trên bờ vực phá sản.
Cơ hội phục hồi của nhiều doanh nghiệp càng mịt mù khi đối mặt với những bất ổn, khó tiên lượng của chính sách kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh như vậy, nếu không tạo dựng niềm tin, doanh nghiệp sẽ khó tìm ra lối thoát cho chính mình.
Vì thế, đây là lúc giới đầu tư kinh doanh mong muốn có được thông điệp rõ ràng từ Chính phủ trong quyết tâm tạo lập lòng tin thị trường, đối với giới kinh doanh trong nước và nước ngoài. Cách thể hiện duy nhất là sự thống nhất, minh bạch và quyết liệt trong điều hành chính sách.
Một thực tế là kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn của khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới đổ dồn, buộc Chính phủ phải đưa ra những chính sách bất thường. Nếu như các giải pháp bất thường này được ứng xử phù hợp, gắn với kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế một cách dài hạn, doanh nghiệp sẽ dễ tiên lượng cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh trước mắt và lâu dài.
Để thực hiện được những công việc này, tạo lập lòng tin trong bối cảnh kinh tế suy thoái là không hề dễ dàng, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao từ các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ tới chính quyền các cấp.