Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Công nghiệp - thương mại Lidovit, nhìn nhận hiện nay tỷ lệ nhà cung ứng nội địa cung cấp được sản phẩm chất lượng cho DN nước ngoài còn rất thấp do năng lực nội tại chưa đáp ứng yêu cầu của ngành. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu nhưng DN cung ứng nội không đáp ứng được, hầu hết chỉ dừng ở cấp 5 cấp 6.
Đơn cử như trong lĩnh vực cung cấp CNHT cho ngành sản xuất ô tô, DN phải đạt chứng nhận ISO-TS 16949 mới đáp ứng yêu cầu của nhà sản, trong khi hầu hết DN nội chưa đủ điều kiện. Bên cạnh đó, DN nước ngoài chưa thực sự gắn kết với DN trong nước. Điều này khiến DN lúng túng không biết khách hàng cần gì và DN phải phấn đấu như thế nào mới đạt yêu cầu…
Theo kiến nghị của ông Hiệu, để CNHT Việt Nam phát triển ngoài những chương trình hỗ trợ hiện có, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh kết nối DN CNHT Việt Nam với DN nước ngoài, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin rõ ràng hơn từ nhà sản xuất để DN Việt có những bước chuẩn bị đầu tư, nhân lực cũng như nhiều vấn đề khác.
Còn ông Đỗ Phước Tống, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho rằng DN CNHT hiện nay gặp nhiều khó khăn do nguồn lực yếu, khi có khách hàng hỏi tới đã không đáp ứng. Nguyên nhân do nhiều DN chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để từ đó tiếp cận các DN nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay việc marketing, tìm kiếm khách hàng của DN CNHT vẫn còn khá hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), cho biết khi các nhà lắp ráp nước ngoài vào Việt Nam không biết DN nào là nhà cung ứng họ cần, nên 2 bên đều đi tìm nhau nhưng chưa gặp được nhau. Hiện nay Sở Công Thương TPHCM đã có Trung tâm Phát triển CNHT, đang nỗ lực xây dựng danh sách các DN CNHT với những thông tin đầy đủ hơn theo đúng yêu cầu DN nước ngoài cần.
Trong việc xây dựng danh sách này rất cần sự tham gia tích cực của các DN vì thông tin không chỉ dừng ở tên công ty, điện thoại, sản phẩm mà cần nhiều thông tin cụ thể, trung thực khác. Với vai trò nghiên cứu, các DN CNHT Việt Nam bên cạnh việc kết nối, bản thân DN khi chọn làm nhà cung ứng cho DN nước ngoài phải hết sức kiên nhẫn. Bởi lẽ, khi DN nước ngoài tìm kiếm nhà cung cấp cho tới khi ra được đơn hàng đầu tiên thường phải mất thời gian vài năm, không thể nhanh hơn được.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM. cho biết Sở Công Thương đang rất nỗ lực để đồng hành, hỗ trợ các DN CNHT, nhằm giúp DN tìm kiếm đối tác, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí, để cập nhật thông tin từ DN, Sở đã không ít lần gửi thư mời, công văn cho DN nhưng đa phần DN lại thờ ơ, không có sự phản hồi… dẫn tới sự nắm bắt thông tin cụ thể về năng lực sản xuất của từng DN rất hạn chế. Vì vậy, nếu chỉ có cơ quan chức năng làm là chưa đủ mà rất cần sự đồng hành, hợp tác từ phía DN.
Thực tế khi nói về vai trò kết nối, giới thiệu của các cơ quan chức năng, ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty Minh Nguyên, từng khẳng định đó là những kết nối hết sức quan trọng. Sự giới thiệu của các lãnh đạo không chỉ giúp DN nước ngoài biết đến mình mà còn phần nào có sự tin tưởng nhất định vào năng lực của DN cung ứng đó.