Tạo lực đẩy phục hồi kinh tế

Quý I-2013 tăng trưởng tín dụng dương nhưng vẫn chậm, một số chỉ tiêu có cải thiện nhưng xét về tổng thể kinh tế vĩ mô vẫn còn yếu kém. Làm gì để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh tác động khách quan từ sự suy giảm kinh tế thế giới vẫn còn?

Quý I-2013 tăng trưởng tín dụng dương nhưng vẫn chậm, một số chỉ tiêu có cải thiện nhưng xét về tổng thể kinh tế vĩ mô vẫn còn yếu kém. Làm gì để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh tác động khách quan từ sự suy giảm kinh tế thế giới vẫn còn?

Tăng trưởng còn mờ nhạt

Năm 2013 kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, nhất là khu vực đồng tiền chung châu Âu và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thời gian qua tác động kinh tế thế giới đến Việt Nam không chỉ bất lợi mà có cả thuận lợi.

Thí dụ, xuất khẩu Việt Nam những năm gần đây tăng rất cao, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu đạt 20,3 tỷ USD, Hoa Kỳ 19,7 tỷ USD; Nhật Bản đã triển khai nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam trong năm 2012 và trong quý I-2013 tiếp tục tăng đầu tư.

Giảm đầu tư công, giảm đầu tư nhà nước là cần thiết, nhưng không có nghĩa là giảm hoàn toàn. Khi giảm nguồn vốn khu vực nhà nước thì nên tăng nguồn lực này cho khu vực dân doanh. Hiện nay khu vực nhà nước thường xuyên được thúc giục tái cơ cấu, nhưng khu vực dân doanh - nơi đóng góp 50% GDP, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động - vẫn chưa được quan tâm nhiều. 

Điều này cho thấy tác động kinh tế thế giới phần nào tạo thuận lợi cho Việt Nam. Còn bất lợi tác động đến kinh tế vĩ mô nước ta như biến động giá xăng dầu, nhưng xuất khẩu dầu thô thu về đã đáp ứng cho Bộ Tài chính cân bằng ngân sách.

Có quan điểm cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy giảm, Việt Nam đạt được như vậy là tốt rồi. Tuy nhiên, cần lưu ý năm 2012 kinh tế các nước ASEAN phục hồi nhanh, trong khi Việt Nam chậm hơn và ở thế suy giảm. Quý I-2013 tăng trưởng kinh tế đạt 4,89%, nhiều người cho rằng có dấu hiệu phục hồi, vì quý I-2012 chỉ tăng trưởng 4,75%.

Nhưng đó là so sánh quý có mức tăng trưởng thấp nhất, còn nếu so sánh với quý IV-2012 tăng trưởng 5,44%, quý I-2011 tăng trưởng 5,53%, hay quý I-2010 tăng trưởng 5,84%... sẽ thấy tăng trưởng phục hồi rất mờ.

Quý I-2013 còn nhờ thương mại dịch vụ tăng trưởng 5,63% mới kéo tăng trưởng cả quý lên, trong khi lĩnh vực then chốt là nông nghiệp quý 1-2013 chỉ tăng trưởng 2,24%, thấp nhất trong nhiều quý vừa qua. Đó là điều đáng lo.

Đi về miền Tây tôi thấy bà con than về chính sách thu mua lúa không kịp thời, làm khổ người nông dân. Với nông dân đánh bắt thủy sản, đầu ra thị trường dự báo rất kém, trong khi đầu tư khoa học-công nghệ cho ngành nông nghiệp nói nhiều nhưng vẫn chưa có bao nhiêu. Do vậy, điều cần thiết hiện nay là phải tăng đầu tư công cho nông nghiệp để đẩy nhanh phục hồi lĩnh vực này. 

Lệch pha thị trường vốn

Vấn đề tái cơ cấu thị trường tài chính, NH, hiện nay chúng ta hơi lệch, bởi thị trường tín dụng đang chiếm đến 104% GDP, thậm chí năm 2011 chiếm 135% so với GDP.

Trong khi các nước hỗ trợ vốn cho nền kinh tế phải có sự hỗ trợ từ 2 cánh: thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán. Vốn hóa của thị trường chứng khoán Thái Lan hiện nay là 73% GDP, Malaysia 137% GDP, trong khi Việt Nam chỉ 20% GDP nên gánh nặng đè lên tín dụng NH.

Do vậy, yếu tố lãi suất của Việt Nam hiện nay dù đã kéo giảm trần tiền gửi để phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, nhưng thực tế vẫn đẩy không được. Vì thế, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính nên giải quyết vấn đề này để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Nền kinh tế nước ta quá dựa vào tín dụng NH. Ảnh: L. THANH

Nền kinh tế nước ta quá dựa vào tín dụng NH. Ảnh: L. THANH

Riêng về tái cơ cấu đầu tư công, dù hơi muộn nhưng chúng ta đã thức tỉnh việc đầu tư công những năm qua là dàn trải, lãng phí rất lớn, nhưng điều đó cũng không có nghĩa chặn hết đầu tư. Do đó, cần phải tiếp tục đầu tư nhưng đảm bảo yếu tố hiệu quả.

Tổng vốn đầu tư xã hội vừa rồi hơi nóng vội trong việc cắt giảm, từ trên 42% GDP kéo xuống còn 33% và quý này chỉ còn 29% GDP. Kéo quá nhanh như vậy sẽ tiếp tục gây lãng phí đầu tư công, đồng thời không hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, có những công trình xây gần xong, chỉ cần thêm vốn là hoàn thành nhưng do không được bơm vốn tiếp nên dở dang.

Lạm phát Việt Nam trong những năm  qua cho thấy nhóm hàng lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng 39,93%, tức quyết định 40% chỉ số lạm phát. Năm 2012 chỉ số lạm phát của Việt Nam 6,81% là đáng mừng, nhưng thực sự người nông dân rất buồn vì nhóm lương thực thực phẩm giảm 5,64%; trong đó giá thịt heo, gà, thực phẩm… chỉ tăng 0,95%.

Vì tăng nhẹ như vậy và tỷ trọng chiếm đến 40% thì làm sao có lạm phát. Do vậy cần hết sức cân nhắc yếu tố về lương thực thực phẩm trong chỉ số lạm phát. Hơn nữa, trong điều hành chính sách lãi suất, Chính phủ và NHNN cần phải dựa vào lạm phát cơ bản để điều hành nhằm đảm bảo tính ổn định của lãi suất.

Còn chạy theo lạm phát thực, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ rất khó khăn. Nếu theo lạm phát thực sẽ đẩy lãi suất lên, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Với định hướng như vậy, các doanh nghiệp mới có niềm tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh khi thấy lãi suất giảm.

Các tin khác