Kế hoạch được công bố trong bối cảnh chất lượng không khí ở nhiều khu vực của Malaysia đang ở mức có thể gây hại sức khỏe người dân do chịu ảnh hưởng của khói bụi từ các vụ cháy rừng ở quốc gia láng giềng Indonesia.
Trong đợt bùng phát mới nhất, nhiều khu vực tại bang Sarawak trên đảo Borneo, miền Đông Malaysia, đã bị khói mù phủ kín. Trong ngày 10-9, hàng trăm trường học tại Sarawak đã phải đóng cửa sau khi chất lượng không khí giảm mạnh do khói mù. Tổng số học sinh phải nghỉ học là hơn 150.000 em.
Theo Bộ Môi trường Malaysia, chất lượng không khí ở nhiều nơi trong bang Sarawak được ghi nhận ở mức “có hại cho sức khỏe”, khi chỉ số ô nhiễm không khí (API) là 120 - 186 điểm. Theo quy định của nước này, API đạt 0-50 là “tốt”, 51-100 là “trung bình”, 101-200 là “có hại cho sức khỏe”, 201-300 là “rất độc hại”. Trường học sẽ phải đóng cửa ngay lập tức nếu API được ghi nhận trong một tỉnh vượt ngưỡng 200.
Khói mù dày đặc, không khí đầy mùi lá cây cháy cũng đã bủa vây thủ đô Kuala Lumpur và nước láng giềng Singapore. Nhiều cư dân ở Kuala Lumpur phàn nàn về hiện tượng kích ứng mắt và khó chịu nơi cổ họng.
Theo ông Gary Theseira, một quan chức thuộc Bộ Môi trường Malaysia, chỉ số ô nhiễm ở một số nơi đã đạt đến mức có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe cư dân, trong đó tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Kuching - thành phố có hơn 500.000 người sinh sống. Hiện Chính phủ Malaysia đã sẵn sàng thực hiện biện pháp tạo mây làm mưa nhân tạo với các hóa chất đặc biệt được nạp đầy trên các máy bay.
Tình trạng khói mù bao phủ thường xuyên xảy ra tại một số quốc gia Đông Nam Á trong mùa khô, khi người dân Indonesia đốt rừng, phát quang đất để thu hoạch dầu cọ và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.
Cơ quan Khí tượng Malaysia dự báo tình trạng khói mù này sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn trong bối cảnh thời tiết nóng sẽ còn kéo dài ở nước này trong một tuần nữa và mùa gió mùa sẽ bắt đầu vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng tới. Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia cho biết sẽ khiếu nại Chính phủ Indonesia về tình trạng khói mù, đồng thời kêu gọi Indonesia nhanh chóng dập tắt cháy rừng.
Malaysia cũng đề nghị hỗ trợ Indonesia dập lửa tại khu vực Kalimantan và Sumatera. Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng Indonesia phủ nhận cáo buộc do tình trạng đốt rừng diễn ra tại nước này đã gây ra hiện tượng khói mù tại Malaysia.
Indonesia đang vật lộn với các vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong 20 năm qua. Hiện Chính phủ Indonesia đã triển khai hàng ngàn người để kiểm soát ngọn lửa nhằm ngăn nguy cơ lặp lại thảm họa cháy rừng hồi năm 2015.
Theo Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia, tổng cộng có 8 tỉnh của nước này đối mặt với nguy cơ cháy rừng, trong đó 6 tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp về cháy rừng kéo dài từ 90 đến 323 ngày.
Theo Cơ quan Khí hậu, Khí tượng và Địa vật lý (BMKG) Indonesia, không chỉ Indonesia, số lượng các điểm nóng cháy rừng có xu hướng gia tăng tại Malaysia, Philippines, Thái Lan, Papua New Guinea…