Tấp nập đón khách Nga

Với mức tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, Nga đang trở thành thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Song theo cảnh báo của một số DN trong ngành, sẽ có những rủi ro tiềm ẩn nếu chỉ chú trọng khách Nga và bỏ qua những đoàn khách truyền thống khác.

Với mức tăng trưởng mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, Nga đang trở thành thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam. Song theo cảnh báo của một số DN trong ngành, sẽ có những rủi ro tiềm ẩn nếu chỉ chú trọng khách Nga và bỏ qua những đoàn khách truyền thống khác.

Chuyển mình đón khách Nga

 

Ghé vào website của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa  (địa chỉ: www.nhatrang-travel.com) hay website của Trung tâm xúc tiến du lịch Ninh Thuận (địa chỉ: www.ninhthuantourist.com) sẽ thấy điểm khá giống nhau, đó là bên cạnh việc dùng tiếng Việt và tiếng Anh nay cả 2 website này đã có thêm tiếng Nga. Đây có lẽ cũng là điều dễ hiểu vì hiện cả Ninh Thuận và Nha Trang đang là điểm đến của nhiều du khách Nga.

Thực ra, trước khi những website của một số tỉnh, thành có bổ sung tiếng Nga, tại nhiều nhà hàng, khách sạn, resort… của Bình Thuận đã bổ sung, thay bảng hiệu, menu bằng tiếng Nga từ khá lâu. Và đã có không ít người gọi Mũi Né với cái tên “làng Nga” Mũi Né.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 2 năm qua, tăng trưởng khách Nga đến Việt Nam đạt mức cao nhất trong tất cả thị trường khách quốc tế. Năm 2012, Việt Nam đón 174.000 khách Nga, tăng 71% so với 2011. Năm 2013 cũng tăng 71% so với 2012 khi đón 298.000 lượt khách đến từ xứ sở Bạch Dương.

Tính đến hết 9 tháng năm 2014, lượng khách Nga đến Việt Nam gần 265.000 lượt, tăng 128% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam kỳ vọng sẽ đón 1 triệu khách Nga vào năm 2020. Những điểm đến ưa thích của khách Nga là Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Vũng Tàu…

Với những đặc điểm đi nghỉ dài ngày, chi tiêu mạnh tay và lại khá dễ tính, khách Nga đang trở thành đối tượng được du lịch Việt Nam nhắm tới. Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch, chi tiêu trung bình 1 khách du lịch Hàn Quốc ở Việt Nam 1.200USD, khách Nhật Bản 1.500USD, trong khi khách Nga 2.500USD, cao hơn mức bình quân 1.143USD.

Với những tiềm năng như vậy, ngành du lịch Việt Nam cũng như các DN lữ hành, nhà hàng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đều có những đầu tư mạnh mẽ, từ quảng bá đến hoàn thiện các dịch vụ đón khách Nga. Đến nay, Phú Quốc đã miễn thị thực cho khách quốc tế trong đó có khách Nga trong 30 ngày.

Phía Công ty Ánh Dương (đối tác của Công ty Pegas Touristik - Công ty Lữ hành Thổ Nhĩ Kỳ có trụ sở tại Nga), đơn vị đưa hơn 55% khách Nga vào Việt Nam, cho biết TPHCM sẽ là điểm đến mới của du khách Nga thông qua các chuyến bay thẳng từ Nga. Hiện nay các chuyến bay thẳng từ Nga thường xuyên đến Cam Ranh, Phú Quốc.

Coi chừng lỗ hổng

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt, chia sẻ với ngành du lịch, khách từ quốc gia nào đến chúng ta cũng phải đón, nhưng cần phải cân nhắc không nên quá chú trọng vào một thị trường mà bỏ quên những thị trường khác.

Ông lấy thí dụ về Bình Thuận, một thời gian dài trước đây các đơn vị kinh doanh du lịch tại địa phương do quá chú trọng đến khách Nga đã thờ ơ những thị trường khách ổn định khác như châu Âu, Hoa Kỳ…

“Việc biển hiệu, menu có thêm tiếng Nga là tốt nhưng không vì thế mà thay hẳn bằng tiếng Nga, vì như vậy khách châu Âu và Hoa Kỳ hay từ nhiều thị trường khác sẽ không còn thiết tha đến những địa điểm này”. Và thực tế, khi các đường bay thẳng từ Nga đến Cam Ranh và Phú Quốc thuận lợi, khách Nga ở Bình Thuận đã giảm đáng kể và tỉnh này đang phải nỗ lực nhằm thu hút khách du lịch. Hiện nay Nha Trang đang được xem là thủ phủ mới của khách Nga.

Từ câu chuyện của một tỉnh nói rộng ra câu chuyện của một quốc gia. Theo cảnh báo của một số chuyên gia, không nên quá phụ thuộc vào khách Nga mà bỏ qua những thị trường truyền thống khác. Vì khi khách Nga có điểm đến mới không ai dám đảm bảo rằng họ không quay lưng với Việt Nam và khi ấy lỗ hổng sẽ khó bù đắp.

Thêm vào đó, theo chia sẻ của giám đốc một DN lữ hành, dù lượng khách Nga vào Việt Nam đang ngày một tăng lên đáng kể nhưng các DN lữ hành, đơn vị dịch vụ khác được hưởng bao nhiêu. Vì hiện nay phần lớn nhiều khách Nga đến Việt Nam thông qua Công ty Ánh Dương với sự liên kết với Pegas Touristik.

Tháng 6 vừa qua, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã có quyết định điều tra chính thức hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong cạnh tranh (theo Điều 13 Luật Cạnh tranh) đối với Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Ánh Dương, trên cơ sở đơn kiện của Công ty Thương mại và du lịch ABTours gửi đến cơ quan này vào cuối tháng 4-2014.

Theo cáo buộc, Công ty Ánh Dương đã áp đặt điều kiện về hạn chế cạnh tranh trong các hợp đồng cung cấp phòng được ký giữa Công ty Ánh Dương với các DN khách sạn khu vực thành phố Nha Trang.

Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò lớn trong việc đưa khách Nga đến thị trường Việt Nam của Pegas Touristik và đối tác là Công ty Ánh Dương. Và đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra. Song nhìn ở một khía cạnh nào đó, cũng như nhiều ngành khác chúng ta cần phát triển du lịch dựa vào các DN nội của mình.

Các tin khác