Tập trung nâng chất theo Basel II

(ĐTTCO) - Ngày 6-12, OCB đã trở thành NH Việt Nam đầu tiên hoàn tất việc triển khai dự án Basel II với các nền tảng của một NH hiện đại, an toàn, đáp ứng yêu cầu về vốn, rà soát và giám sát, minh bạch thông tin. Sự kiện này đang tạo hiệu ứng khả quan đối với quá trình tiến tới chuẩn mực Basel II của các NHTM. 
 
Tập trung nâng chất theo Basel II
Tín hiệu tích cực
Hiệp ước vốn Basel II có hiệu lực từ năm 2007 trên cơ sở kế thừa và khắc phục những hạn chế của Basel I, với mục tiêu giúp hệ thống tài chính vững chắc, lành mạnh hơn. Tại Việt Nam, năm 2014 NHNN đã chấp thuận thí điểm cho 10 NHTM thực hiện theo các chuẩn mực an toàn vốn Basel II từ cuối năm 2015.
Theo lộ trình đề ra, đến cuối năm 2018 các NH thí điểm phải đáp ứng các chuẩn mực vốn Basel II theo hướng nâng cao, sau đó NHNN sẽ triển khai áp dụng chuẩn mực này trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016 có nội dung hướng theo chuẩn Basel II với nhiều điểm thay đổi so với Thông tư 36/2014 và Thông tư 06/2016, hiệu lực thi hành vào đầu năm 2020; hoặc từng NH riêng có thể áp dụng sớm hơn khi đáp ứng tiêu chuẩn và đăng ký về NHNN.
Đáng chú ý, OCB không nằm trong nhóm 10 NH thí điểm áp dụng chuẩn Basel II nhưng đã trở thành NH đầu tiên áp dụng thành công dự án này. Nhưng việc triển khai Basel thành công giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.
Khách hàng của OCB được hưởng các quyền lợi về các điều kiện cấp tín dụng phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng. Thông tin càng đầy đủ, điều kiện cấp tín dụng càng thuận lợi… sẽ nhận được mức lãi suất hấp dẫn. Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh.
Cùng với OCB, MB đã bắt tay nghiên cứu và triển khai Basel II trước khi NHNN ban hành Thông tư 41. Theo đó MB đã xây dựng khá đầy đủ hệ thống văn bản, chính sách, phần mềm và đang chuẩn bị kỹ các điều kiện để thực hiện tính vốn cho rủi ro tín dụng, thị trường hoạt động theo phương pháp nâng cao; thực hiện quy trình đánh giá nội bộ mức đủ vốn theo yêu cầu của trụ cột 2. VPBank cũng đã xây dựng dự án triển khai Basel II và định kỳ tính toán hệ số an toàn vốn dựa trên Thông tư 41. Kế hoạch của NH này là đến cuối năm 2018 sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên xếp hạng nội bộ, đồng thời xây dựng nền móng để triển khai các yêu cầu theo trụ cột 2 của Basel II, thông qua việc từng bước cơ cấu lại khung quản trị rủi ro. 
Trong khi đó, từ năm 2016 Maritime Bank đã triển khai việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và công cụ tính toán tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tự động. Sacombank cũng sẽ triển khai áp dụng gói đầu tiên vào năm 2018. Các NH không nằm trong nhóm thí điểm cũng chủ động tiến tới áp dụng Basel II. Cụ thể, ABBank đã phối hợp với đối tác tư vấn Deloitte thực hiện dự án đánh giá chênh lệch tổng thể so với Basel II, xây dựng lộ trình kế hoạch triển khai chi tiết nhằm tuân thủ chuẩn Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. TPBank cũng cho biết đang triển khai dự án này.

Đường vẫn khó đi
Theo các chuyên gia việc áp dụng các quy chuẩn Basel II sẽ hạn chế khả năng đổ vỡ, củng cố niềm tin của người gửi tiền, từ đó thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và mở rộng phạm vi hoạt động ra các nước. Song quá trình triển khai Basel II có nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Chẳng hạn để áp dụng, từ HĐQT đến ban điều hành phải nhận thức được việc tuân thủ thế nào, quản trị rủi ro ra sao, sẽ mang lại lợi ích gì… Điều cần lưu ý là đa số NH đều chú trọng xây dựng thượng tầng trước khi xây dựng hạ tầng cơ sở, dẫn đến việc phải làm lại các dự án hợp phần, gây lãng phí nguồn lực, tài chính cũng như thời gian hoàn thành dự án. Ngoài ra, tăng vốn cũng là một bài toán khó ảnh hưởng đến việc thực thi Basel II.
Theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc kiêm Phó Ban chỉ đạo dự án Basel II tại MB, khi áp dụng nguyên tắc của Basel II, tài sản có rủi ro của NH sẽ tăng đáng kể, khiến hệ số CAR giảm. Mỗi NH có mức giảm khác nhau nhưng trung bình khoảng 30-40% so với Thông tư 36. Theo đó, NH phải đối mặt với bài toán về tăng vốn và giảm tài sản có rủi ro thông qua tối ưu hóa danh mục để cải thiện hệ số CAR. Nhìn vào số liệu thống kê của NHNN công bố, có thể thấy hệ số CAR của toàn hệ thống liên tục giảm kể từ đầu năm 2017 đến nay.
Nguyên nhân do vốn tự có tăng theo không kịp so với tốc độ tăng tổng tài sản. Năm 2017, các NH đều đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ để tháo gỡ khó khăn này nhưng số lượng NH tăng vốn không nhiều. Do đó, nhiều NH đã tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn, thực chất là đầu tư lẫn nhau giữa các NH. Từ năm 2020, phần vốn đầu tư vào trái phiếu đủ điều kiện tính vốn cấp 2 của các NH khác sẽ bị loại khi tính vốn tự có của TCTD theo quy định của Thông tư 41, các NH sở hữu lượng trái phiếu cấp 2 của các NH khác với số lượng lớn sẽ chịu áp lực suy giảm vốn tự có. 
Ngoài ra, các NHTM còn đối mặt với những khó khăn do khuôn khổ pháp lý liên quan còn bất cập, các thị trường chính thức chưa phát triển đầy đủ, bộ máy quản lý rủi ro hoạt động chưa thực sự hiệu quả, cơ sở dữ liệu và hệ thống CNTT còn lạc hậu, chưa đáp ứng được các yêu cầu quản lý rủi ro theo Basel II. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch đã đến lúc tập trung nâng chất lượng quản trị của NHTM nên việc tiến tới áp dụng Basel II cần phải quyết tâm thực hiện, không nên kéo giãn lộ trình nữa.

Các tin khác