Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp

Chủ trì hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng ĐBSCL ngày 15-3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chủ trương từ ngày 15-3 sẽ tổ chức thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo, nhằm giữ giá thị trường, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.

Chủ trì hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng ĐBSCL ngày 15-3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chủ trương từ ngày 15-3 sẽ tổ chức thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo, nhằm giữ giá thị trường, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.

Thực hiện tốt mua tạm trữ gạo

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích gieo sạ vụ lúa đông xuân 2013-2014 đạt khoảng 1,6 triệu ha, tăng hơn 3.200ha so với vụ đông xuân 2012-2013. Năng suất bình quân ước đạt 6,83 tấn/ha, tăng 0,01 tấn/ha. Có thể khẳng định, đây là vụ đông xuân được mùa lớn.

Trong tháng 1 và 2-2014, việc tiêu thụ lúa thuận lợi, giá có lợi cho nông dân. Tuy nhiên từ đầu tháng 3 đến nay giá lúa giảm mạnh (tới 400-500 đồng/kg), dao động ở mức 4.400-5.000 đồng/kg lúa thường và khoảng 4.500-5.300 đồng/kg lúa chất lượng cao; lúa IR50404 tươi có giá 4.000-4.100 đồng/kg.

Thêm vào đó, tình hình xuất khẩu gạo nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới thấp và Thái Lan hiện đang chào bán gạo ra thị trường thế giới.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, trước mắt thực hiện tốt chính sách mua tạm trữ gạo, tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách tín dụng để tăng tín dụng cho nông dân đầu tư sản xuất.

Về lâu dài, các địa phương sẽ rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, quy hoạch vùng nuôi thủy sản, đẩy mạnh chương trình đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống lúa cũ, thúc đẩy các DN tham gia chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Nông nghiệp là nền tảng, là trục phát triển, một trụ đỡ của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, nông nghiệp liên tục tăng trưởng, đây là thành tựu quan trọng, qua đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại; đời sống của một bộ phận người lao động sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chi phí chi sản xuất cao, giá bán nông sản thấp đi, năng suất lao động thấp. Tinh thần chung của Trung ương là phải tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả; nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động sản xuất nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các địa phương trong vùng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích tối đa việc ứng dụng, đưa khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp. “Đây là một việc làm quyết định trong tái cơ cấu nông nghiệp” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó là cần tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, lấy người nông dân là trung tâm, là chủ thể trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong sản xuất nông nghiệp, nhất là những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ đã triển khai hiệu quả ở một số địa phương.

Cần khuyến khích tối đa DN vào phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Qua đó, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất; cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản; tạo việc làm cho người lao động, rút bớt lao động trực tiếp làm nông nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, đây là chính sách nhất quán, mang tính chiến lược.

Dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tìm mọi cách hỗ trợ cho nông dân, để phục vụ cho phát triển bền vững; tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng cho nông thôn, đặc biệt hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện, nước sạch; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; lưu ý chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo.

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp cơ bản để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp cơ bản
để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các tỉnh trong vùng tiếp tục phát huy những cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu, tính toán, dự báo sát khả năng tiêu thụ nông sản trên thực tế, tránh trình trạng được mùa rớt giá. Triển khai hiệu quả việc giảm diện tích lúa cho năng suất thấp sang trồng cây hoa màu có thị trường hoặc chuyển sang trồng đậu tương, ngô phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc.

Đặc biệt quan tâm lai tạo các loại giống lúa cho năng suất cao, song phải đạt chất lượng tốt; đảm bảo giá trị cao trong xuất khẩu; từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo ĐBSCL. Hỗ trợ tối đa cho các mô hình hợp tác sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả; đưa máy móc công nghiệp, đưa DN vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình  cam kết dành khoảng 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi để thu mua tạm trữ gạo; áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7%/năm cùng các thủ tục thuận lợi nhằm triển khai thí điểm để khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nuôi trồng chế biến thủy hải sản và DN ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Thống đốc đề nghị các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các chương trình thí điểm cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngay trong tuần tới sẽ áp dụng một mặt bằng lãi suất mới, đưa trần lãi suất xuống còn 6%/năm, như vậy kiềm chế lạm phát trong cả năm phấn đấu xung quanh mức 6%.

Các tin khác