Nhà vườn hối hả
Mới sáng sớm, anh Tô Quang Dũng (phường 8, TP Đà Lạt) đã đánh xe chiếc xe tải nhỏ rời trung tâm thành phố vào khu vườn của gia đình ở vùng ngoại ô. Trang trại rộng hơn 3ha trồng đủ thứ rau, củ quả hàng ngày được thu hoạch, đóng gói xuất đi hàng trăm kg sản phẩm.
“Từ trang trại của gia đình, chúng tôi liên kết cùng các hộ nông dân trong vùng với tổng diện tích khoảng 20ha. Với 30 mặt hàng các loại, mỗi ngày chuỗi liên kết đưa ra thị trường 1,5 tấn thành phẩm, nhưng vào cao điểm tết, chúng tôi tăng lên hơn 2 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu của đối tác”, anh Dũng cho biết. Thị trường cao điểm tiêu thụ tết mà người trồng rau ở Đà Lạt hướng đến là từ ngày 20 - 29 tháng chạp và từ mùng 5 Tết kéo dài đến rằm tháng giêng.
Nhà vườn Đà Lạt chăm sóc hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán
Những gia đình trồng hoa tại Đà Lạt, Lạc Dương năm nay sẽ bận rộn hơn vì vừa phải chuẩn bị hàng cho trước tết, vừa phải cạnh tranh với các địa phương khác. Chị Trần Thu Thủy (trồng hơn 6.000m² hoa cúc tại làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt), cho biết: “Những năm gần đây, hoa Đà Lạt chịu sự cạnh tranh lớn từ các địa phương khác do người dân những vùng đó nhập giống cúc từ Đà Lạt về trồng và có chất lượng tương đối tốt. Để được khách hàng lựa chọn, và để cạnh tranh tốt, suốt vụ hoa, chúng tôi luôn chăm sóc chu đáo, càng những ngày cuối năm, nhà vườn càng chăm chút kỹ hơn”.
Từ nhiều tháng trước, các nhà vườn đã chuẩn bị đất, cây giống, vật tư để chăm sóc cây, tránh sâu bệnh. Năm nay thời tiết tại các vùng trồng rau và hoa ở Lâm Đồng khá thuận lợi nên các dịch bệnh lớn ít xảy ra.
Không lo thiếu rau, hoa
Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, hiện sản phẩm rau, củ, quả tiêu thụ trong nước chủ yếu qua chợ đầu mối và chợ truyền thống (chiếm khoảng 70%); qua kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng chuyên doanh nông sản (khoảng 25%); tiêu thụ trực tiếp như nhà hàng, khách sạn, trường học, bếp ăn tập thể (khoảng 5%). Tương tự, sản phẩm hoa tiêu thụ trong nước chủ yếu qua các chợ đầu mối hoa tại các thị trường trọng điểm (chiếm 75%), còn lại qua các cửa hàng hoa và tiêu thụ trực tiếp.
Nguồn cung các mặt hàng rau củ quả, hoa của Lâm Đồng cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay rất phong phú, như mặt hàng rau các loại vụ đông xuân (phục vụ nhu cầu tháng tết) gieo trồng 22.094ha (tăng 15% so với cùng kỳ), năng suất đạt khoảng 367,9 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 812.904 tấn; mặt hàng hoa gieo trồng 3.599ha, năng suất ước khoảng 431.000 cành/ha, sản lượng đạt trên 1,5 triệu cành hoa. Vụ đông xuân là vụ sản xuất để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, nguồn cung ứng mặt hàng rau, củ, quả, hoa ra thị trường dồi dào, sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết, cơ cấu chủng loại rau hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2020 khá đa dạng. Người dân chú trọng xuống giống một số loại cây chủ lực với mức tăng diện tích và sản lượng từ 7% - 12%. Đối với hoa, tăng nhiều nhất là cúc, lily, lay ơn...
Thị trường rau, hoa phục vụ trước, trong và sau tết dự kiến thu hoạch và tiêu thụ tập trung trong khoảng từ ngày 7-1 đến ngày 18-2; một số giống rau, hoa dài ngày, nông dân đã xuống giống và đang tập trung cho việc chăm sóc thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán, đồng thời tiếp tục chuẩn bị đất trồng một số loại rau ngắn ngày.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết, các đơn vị của tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị cơ quan chức năng TPHCM tạo điều kiện để hoa Đà Lạt vào chợ đầu mối sớm hơn khoảng một tiếng, sẽ tránh, giảm được nguy cơ ùn ứ do kẹt xe. Năm nay, hiệp hội sẽ phối hợp với Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng làm công văn gửi các thành phố lớn như: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng tạo điều kiện để phương tiện chở hoa của Đà Lạt tiếp cận bến bãi, chợ đầu mối sớm hơn, nhất là khoảng thời gian trước tết khoảng 15 ngày.
ĐBSCL trúng mùa hoa tết Chiều 9-1, TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết: “Mặc dù nước mặn về sớm và diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chủ động các giải pháp ứng phó nên đến nay hầu hết diện tích hoa kiểng tết phát triển bình thường”. Theo ông Liêm, dự kiến dịp Tết Canh Tý 2020, làng hoa kiểng Chợ Lách sẽ cung ứng ra thị trường hơn 11 triệu sản phẩm các loại. Thống kê sơ bộ cho thấy, dù chưa tới 2 tuần nữa là Tết Canh Tý, nhưng đến thời điểm này, ước khoảng 80% sản lượng hoa kiểng ở Chợ Lách đã bán xong, với giá cao hơn cùng kỳ từ 5% - 10% trở lên. Theo HTX Hoa kiểng Phú Thọ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), hoa tết như cúc, hướng dương, vạn thọ, hồng nhung, hoa dừa… được chăm sóc và phát triển ổn định. Hơn 320.000 chậu hoa tết đã sẵn sàng cung ứng cho thị trường khắp nơi. Còn ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), hàng triệu chậu hoa tết cũng đang khoe sắc, thương lái các nơi kéo về thu mua. Ông Võ Thành Tuấn, ngụ xã Tân Quy Tây (TP Sa Đéc) tiết lộ: “Năm nay thời tiết tốt nên rất phù hợp cho hoa phát triển. Thương lái đang thu mua với giá khá cao, làm cho nông dân trồng hoa rất vui”. HUỲNH LỢI |