Tàu cá vỏ thép nằm bờ: Nghe lời hãng, dân sẽ chết

(ĐTTCO) - 'Nghe lời hãng, dân sẽ chết' là khẳng định của ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - trước việc các hãng sản xuất máy tàu Hàn Quốc cố tình đổ lỗi, không đền máy mới cho ngư dân.

 
Ngư dân Nguyễn Công Quý (ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định) đóng tàu vỏ thép hơn 14 tỉ đồng chỉ ra khơi được một lần rồi nằm bờ gần hai năm nay
Ngư dân Nguyễn Công Quý (ở cảng cá Đề Gi, Phù Cát, Bình Định) đóng tàu vỏ thép hơn 14 tỉ đồng chỉ ra khơi được một lần rồi nằm bờ gần hai năm nay

Trong khi đó, phát hiện nhiều chi tiết hãng đóng tàu đã không làm theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Thông báo cho hãng, để tàu chìm?

Sáng 28-5, đã hai ngày sau khi đối thoại với nhà sản xuất, phân phối máy Doosan (Hàn Quốc - đơn vị cấp máy cho một số nhà máy đóng tàu), ông Lê Ngô Hát (một chủ tàu vỏ thép ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) vẫn chưa thôi ấm ức.

Việc nhà cung cấp máy trên cho rằng nếu máy hỏng phải thông báo với hãng chứ không được tự ý sửa, ông Hát bức xúc: “Giữa biển, máy hỏng, không khắc phục thì tàu sẽ bị sóng đánh chìm, chết cả. Họ nói không thể chấp nhận được!”.

Ông Trần Đình Sơn (chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu (Bộ Công an) đóng tàu vỏ thép với giá trị gần 20 tỉ đồng.

Với việc phía Doosan muốn đổ lỗi cho ngư dân tự ý sửa máy, ông Sơn cho rằng đó là cách thoái thác trách nhiệm. Kiên quyết đề nghị nhà máy phải thay máy mới, ông Sơn cho biết việc này là để không còn trường hợp đáng tiếc nào như ông xảy ra nữa.

“Bốn chuyến đi biển, chuyến nào cũng gặp sự cố về máy móc. Giờ thì gãy luôn cốt - tức cái “xương sống” của máy. Tôi không dám đi biển vì tài sản và tính mạng cả chục người sẽ bị rủi ro”- ông Sơn cho biết.

Hợp đồng hộp số lớn, lắp hộp số nhỏ

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được đại diện Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu xác nhận một sự thật khác. Thực tế, cả ba tàu vỏ thép của các ông Lê Văn Thãi, Đinh Công Khánh, Nguyễn Công Quý (ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đều bị một “bệnh” chung là vỡ hộp số.

“Hợp đồng của chúng tôi với nhà máy là hộp số máy chính có hệ số truyền động 5 chấm. Nhưng khi nhận tàu, hộp số chỉ có 3 chấm. Hệ số truyền động thấp khiến phải quay nhiều tua hơn, không đủ lực đẩy máy nên dẫn đến vỡ hộp số” - ông Đinh Công Khánh nói và cho biết tàu của ông bị hỏng máy ba lần, sửa đi sửa lại, giờ vẫn nằm bờ.

“Tàu thiết kế vận tốc 12 hải lý/giờ mà bây giờ chạy 2 hải lý/giờ không nổi, làm sao đi biển được” - ông Khánh bức xúc.

Chiều 28-5, ông Bùi Hữu Hùng - phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu - nói làm đúng theo thiết kế, nhưng thừa nhận thiết kế này không phải theo 21 mẫu của Bộ NN&PTNT đưa ra, mà do nhà máy thuê tư vấn khác để lập!

Không đúng hợp đồng, phải thay mới

Chiều 28-5, ông Trần Châu cho biết sau khi có thông tin nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mới đóng bị hỏng, nhiều chuyên gia ở TP.HCM đã liên hệ đề nghị cho họ được tham gia tổ tư vấn thẩm định độc lập chất lượng các con tàu, không lấy phí, chỉ muốn giúp bảo vệ ngư dân.

Ông Châu cho biết dự kiến trong tuần này sẽ thành lập tổ kiểm định độc lập gồm các chuyên gia về điện, cơ khí, thiết bị, máy công cụ từ TP.HCM ra, tiến hành kiểm tra từng con tàu vỏ thép bị hư hỏng.

“Nếu nhà máy lắp máy, sử dụng vật liệu không đúng hợp đồng, không đảm bảo chất lượng, phải thay mới cho dân” - ông Châu nêu quan điểm của tỉnh Bình Định và cho rằng lãnh đạo tỉnh này không chấp nhận kiểu nói thoái thác trách nhiệm, ngang ngược, kiểu máy tàu hỏng dân không được can thiệp, phải báo và chờ ý kiến.

Ông Trần Châu cũng cho biết ông đã nghe nhiều vấn đề chưa minh bạch đằng sau việc đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo nghị định 67. Tỉnh sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT kiểm tra toàn diện quy trình cho vay và đóng mới tàu vỏ thép. “Tôi đã trao đổi với lãnh đạo bộ và thống nhất quan điểm như vậy. Phải kiểm tra toàn diện mới ra thêm những vấn đề khác nữa” - ông Châu cho hay.

Các tin khác