Giá xăng dầu tăng gây ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận DN taxi và thu nhập của tài xế taxi. Cũng xuất phát từ chuyện tăng giá, mối quan hệ ăn chia lợi nhuận giữa tài xế và DN taxi đã nảy sinh mâu thuẫn.
Doanh thu có khi bị âm
![]() |
Để giảm chi phí nhiên liệu, nhiều tài xế không chạy lòng vòng đón khách |
Ngay sau khi giá xăng dầu tăng thêm 2.000-2.800 đồng/lít, nhiều DN taxi đã lập trình lại đồng hồ, tăng giá cước. Hãng Taxi Mai Linh tăng giá cước 1.000 đồng/km. Mặc dù giá cước taxi được các DN điều chỉnh tăng nhưng doanh thu tài xế lại giảm do tỷ lệ ăn chia vẫn như cũ khi phải bù lỗ giá xăng dầu, trong khi số lượng khách đi taxi sụt giảm rõ. Tài xế Tuấn Anh (Taxi Mai Linh) cho biết tỷ lệ ăn chia như sau: “Xe 7 chỗ (dòng G) chạy từ 0 đồng đến 1,28 triệu đồng, tài xế được chia 51%; từ 1,2 triệu đồng trở lên được chia 70%. Nhưng hầu như các tài xế chạy dưới mức 1,2 triệu đồng nên mức ăn chia thấp".
Một tài xế Happy Taxi cho biết: Tháng 2-2011, khi giá xăng tăng từ 16.400 đồng/lít lên 19.300 đồng/lít, công ty tăng giá cước (1.000 đồng) lên 14.500 đồng/km. Nhưng đợt tăng giá xăng lần này vẫn chưa nghe công ty nói gì đến việc tăng giá cước, mức ăn chia vẫn chưa tăng cho tài xế. Hiện tài xế Happy Taxi được ăn chia theo phương thức: dưới 850.000 đồng, được chia 47%; từ 850.000-950.000 đồng, được chia 52%, từ 950.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, được chia 54%.
Nếu trung bình chạy được 850.000 đồng/ca, đóng thuế 50.000 đồng, còn lại công ty chia theo tỷ lệ 50-50, tài xế nhận được 400.000 đồng nhưng tiền đổ xăng đã mất 360.000 đồng. Như vậy, tài xế không có lời và coi như chạy không công. Ngoài ra, tài xế còn bị thu nhiều khoản tiền bất hợp lý: Nếu doanh thu chỉ được 600.000 đồng/ca, đóng thuế 30.000 đồng, công ty thu 400.000 đồng, tài xế chỉ được 170.000 đồng lại phải tự đổ xăng và các chi phí khác nên có lúc thu nhập bị âm.
Bất hợp lý
Tài xế Nguyễn Nhớ (Vinasun Taxi), cho biết: Chỉ trong 1 tháng, do ảnh hưởng giá xăng dầu tăng khiến công ty phải điều chỉnh tăng giá cước 2 lần, nếu giải thích không thuyết phục sẽ mất khách. Để giảm chi phí tiền xăng, bây giờ các tài xế không còn dám chạy lòng vòng tìm khách, nên càng khó có khách hơn. Ông Nhớ cho rằng Vinasun cần tăng thêm tỷ lệ % tài xế được hưởng trong doanh thu để thu nhập của tài xế ổn định. Ngoài ra, nhiều tài xế của Vinasun cũng bức xúc chuyện công ty trừ tiền tiếp thị điều hành 10.000 đồng/ca. Đúng ra tiền này tài xế không phải trả, bởi các nhân viên tiếp thị do công ty mướn, tại sao lại đánh trực tiếp vào doanh thu của tài xế. Nhân số tiền này cho 4.000 tài xế/ca, tổng số tiền tiếp thị điều hành công ty thu vào đến 40 triệu đồng/ca.
Trước đây, khi số hãng và đầu xe taxi còn ít, khách hàng sử dụng dịch vụ taxi thường là người có thu nhập cao, khách du lịch. Do đó, ngoài tiền ăn chia, tài xế còn có thu nhập từ tiền “boa” của khách hàng. Nhưng nay taxi trở thành phương tiện vận chuyển hành khách phổ biến nên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khách đi taxi đòi nhận lại đủ tiền thối, dù chỉ vài ngàn đồng. Trong tình hình giá xăng dầu tăng, các tài xế mong các DN taxi nên tăng tỷ lệ ăn chia hợp lý và hỗ trợ tài xế các khoản phụ cấp.