Được “nhồi” bởi các khoản cho vay lãi suất cực thấp, “quả bom” bất động sản Tây Ban Nha ngày càng phình to và chực chờ nổ tung, đe dọa gây “sát thương” hàng loạt nhà băng và người vay nợ.
Sau nhiều năm hưởng thụ những mức lãi suất cho vay cực thấp, không ít người dân Tây Ban Nha đã trở nên mất cảnh giác với bảng cân đối thu chi của mình. Họ vô tư vay ngân hàng để tậu những căn biệt thự trong mơ dọc theo bờ biển, những căn hộ xa hoa tại Madrid cùng hàng triệu ngôi nhà trên khắp đất nước.
Thị trường bất động sản nở hoa đã đẩy tỷ lệ sở hữu nhà ở Tây Ban Nha lên mức cao nhất trên thế giới: cứ 10 hộ thì có trên 8 hộ sở hữu nhà ở. Nhưng đồng thời, các ngân hàng cho vay cũng trở nên phụ thuộc vào những con nợ, trong đó có cô Marta Afuera Pons.
![]() |
Biểu tình bên ngoài một ngân hàng ở Madrid, yêu cầu chấm dứt tịch thu địa ốc. |
Cô Marta đã rất vất vả xoay sở để trang trải cho 2 khoản nợ địa ốc thế chấp mà cô cùng “người đàn ông lý tưởng” cùng nhau vay mượn, bao gồm 132.000EUR mua ngôi nhà gần Barcelona để chung sống.
Cặp đôi này còn vay thêm 185.000EUR mua một bất động sản khác (căn nhà này không bao giờ thành hình vì chủ đầu tư đã tuyên bố phá sản không lâu sau đó). Trước đây, Marta làm công việc quản lý an sinh xã hội nhưng cơn bão khủng hoảng kinh tế châu Âu đã đẩy cô vào cảnh thất nghiệp, đến cuối năm 2010 cô phải ngừng thanh toán món nợ 132.000EUR.
Tới giờ nợ đẻ nợ, tổng cộng đã lên tới 350.000EUR, tháng này cũng là tháng cuối cùng của thời hạn 2 năm được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp 1.100EUR. Rao mãi chẳng bán được nhà, cô chuyển sang năn nỉ ngân hàng mua lại chúng và dự tính về nhà mẹ ở vì “tiền hết, tình tan”, anh chàng của cô đã bỏ sang Brazil lấy vợ.
Mới đây, Marta quyết định gia nhập Hội Những người vay thế chấp, cáo buộc ngân hàng không những không cảnh báo mà còn khuyến khích những ý tưởng đầu tư đầy rủi ro của những con nợ như cô. Hội này đã tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu nhà chức trách trợ giúp.
Số lượng hợp đồng thế chấp nhà ở ký kết trong tháng 2 ở Tây Ban Nha giảm mạnh 46% so với 1 năm trước là tháng giảm mạnh nhất kể từ khi các con số này bắt đầu được Viện Thống kê quốc gia công bố vào năm 2004. Nhưng, dường như đã muộn, tuần trước Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha đưa ra báo cáo các khoản “nợ chết” toàn quốc đã đạt đỉnh cao nhất kể từ năm 1994.
Chính phủ ước tính tỷ lệ các khoản vay thế chấp mất khả năng chi trả là 3%, nhưng giới chuyên gia kinh tế cho rằng thực tế cao hơn nhiều, có thể lên tới 2 con số. Kể từ khi cơn sốt địa ốc đẩy giá nhà đạt đỉnh vào năm 2007 đến nay, giá nhà đã lao dốc 25% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tây Ban Nha đang đối mặt với cuộc suy thoái thứ hai trong vòng 3 năm qua và tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 25%, khiến ngày càng nhiều con nợ mất khả năng trả góp hàng tháng. Ước tính các khoản vay thế chấp mua nhà có nguy cơ vỡ nợ đã lên tới 663 tỷ EUR. Giới phân tích báo động “quả bom” sắp nổ, trước sau gì ngay cả các ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha cũng phải cầu xin cứu trợ.
Vấn đề là Chính phủ Tây Ban Nha cũng đang lảo đảo vì gánh nặng nợ công và thâm thủng ngân sách, lấy đâu tiền ứng cứu? Sự sụp đổ hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha nếu xảy ra sẽ có sức công phá ghê gớm đến phần còn lại của châu Âu.
Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới lo ngại nếu muốn giải cứu Tây Ban Nha sẽ phải huy động nguồn lực lớn hơn nhiều so với các gói cứu trợ đã dành cho Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Giới phân tích cho rằng phải cần ít nhất 200 tỷ EUR, gần gấp đôi gói cứu trợ dành cho Hy Lạp.