Tây Nguyên chủ động mời gọi đầu tư vùng nguyên liệu cho TACN

(ĐTTCO) - Diễn đàn kết nối, thúc đẩy và phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) khu vực Tây Nguyên dự kiến được tổ chức trong 2 ngày 20 và 21-10, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tây Nguyên chủ động mời gọi đầu tư vùng nguyên liệu cho TACN

Ngày 8-8, tại thành phố Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức "Diễn đàn kết nối, thúc đẩy và phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khu vực Tây Nguyên".

Cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức "Diễn đàn kết nối, thúc đẩy và phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khu vực Tây Nguyên"

Cuộc họp bàn về kế hoạch tổ chức "Diễn đàn kết nối, thúc đẩy và phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khu vực Tây Nguyên"

Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đây có thể xem đây là diễn đàn xúc tiến đầu tư tầm cỡ quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực nguyên liệu TACN được tổ chức tại khu vực Tây Nguyên. "Hy vọng, diễn đàn sẽ mang lại hiệu quả tích cực là kết nối, thúc đẩy và phát triển các lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu TACN của Gia Lai và các tỉnh khu vực Tây Nguyên”, ông Tiệp kỳ vọng.

Đại diện Tập đoàn De Heus (Hà Lan) tham dự cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại, chia sẻ thông tin, hiện nhu cầu về ngô của doanh nghiệp là khoảng 1,2 triệu tấn/năm, tương đương diện tích sản xuất lên đến 100.000ha. Thực tế, chi phí để doanh nghiệp nhập khẩu ngô làm nguyên liệu TACN là rất lớn, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh để phát triển sản xuất TACN nói chung và sản phẩm ngô nói riêng.

Cũng theo ông Hiếu, Việt Nam có diện tích trồng ngô không lớn và những năm qua còn có xu hướng giảm về diện tích do giá ngô rẻ, đầu ra bấp bênh, chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong khi đó, nhu cầu ngô nguyên liệu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày thiếu hụt do ngô ngoài là thức ăn cho người, TACN, còn được sử dụng làm xăng sinh học.

“Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại chiến lược phát triển TACN nói chung và nguyên liệu ngô nói riêng để có thể đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn cung ngô nguyên liệu, tạo việc làm cho nông dân”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo đó, trong thời gian tới, De Heus Việt Nam sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển HTX Hà Lan (Agriterra) xây dựng vùng ngô nguyên liệu TACN trên cơ sở phát triển các HTX tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Trong xu hướng phát triển, De Heus cũng bày tỏ mong muốn cùng chung tay với Bộ NN-PTNT triển khai dự án để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời ổn định một phần nguồn cung ngô nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Trên cương vị đơn vị phối hợp thực hiện, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, kỳ vọng diễn đàn lần này sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp từ châu Âu có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Thông qua diễn đàn, sẽ có nhiều đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhanh và bền vững trên địa bàn và khu vực Tây Nguyên”, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết.

Cuộc họp cũng đã thống nhất về kế hoạch tổ chức diễn đàn. Theo đó, sự kiện được tổ chức trong 2 ngày 20 và 21-10 với quy mô từ 400-450 đại biểu, bao gồm: các cơ quan bộ, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các nhà đầu tư trong ngoài nước.

Nằm trong các chương trình chính của diễn đàn, đại diện Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh, các hiệp hội và doanh nghiệp, sẽ ký kết hàng loạt Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) như: kết nối, thúc đẩy và phát triển vùng nguyên liệu TACN; hợp tác với các ngân hàng trong việc hỗ trợ tín dụng xây dựng vùng nguyên liệu TACN; hợp tác trồng rừng bảo vệ môi trường.

Các tin khác