Đến chợ trung tâm TP Kon Tum (đường Lê Hồng Phong), chúng tôi bắt gặp cảnh nhiều người dân đồng bào ở các huyện ngồi xe tải về phố mua hàng hóa. Anh A Thông (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) mua hàng chục thùng nước ngọt, bia, bánh mứt từ chợ, sau đó chất la liệt trên vỉa hè, chờ xe tải đến chở về.
“Năm nay nông sản có giá nên bà con ở xã làm ăn được, có nhiều tiền. Để phục vụ tết cho bà con, tôi xuống phố mua hàng lên bán tết. Tiện thể, gia đình cũng mua thêm đồ tết về dùng. Đồ tết nhiều quá, phải mượn xe tải chở mới đủ”, anh A Thông nói.
Anh A Thông (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) xuống TP Kon Tum mua hàng tết về bán cho người dân ở xã. Ảnh: HỮU PHÚC
Kon Tum là thủ phủ cây dược liệu, trong đó trọng tâm là huyện Tu Mơ Rông. Năm nay, cây dược liệu có giá nên người dân đồng bào đón tết no ấm. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, trên địa bàn, tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Cây dược liệu là cây trồng chủ lực, gánh "trọng trách” giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện trên địa bàn, diện tích cây dược liệu đã phát triển được gần 3.000ha, nhiều nhất là sâm Ngọc Linh, sâm dây.
"Cây dược liệu bán được giá nên đồng bào Xơ Đăng có tiền mua sắm tết khang trang. Nhiều hộ mổ heo, gà ăn tết. Bà con rất vui, đời sống ấm no. Hiện huyện đang tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp mở nhà máy, thu mua sâm dây ổn định để bà con có thu nhập bền vững, hướng đến mục tiêu tết năm sau no đủ hơn nữa", ông Võ Trung Mạnh chia sẻ.
Đến huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai, chúng tôi được ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy, phấn khởi kể các loại nông sản như cà phê, sầu riêng, điều, lúa, mì... được mùa được giá, giúp bà con vùng biên đón tết sung túc. Theo ông Dũng, địa bàn có 21.000ha cà phê, sầu riêng, điều.
Ngoài ra, tại các xã Ia Mơ, Ia Lâu, Ia Pior có thêm 1.200ha lúa được trồng bằng giống lúa chất lượng cao, kỹ thuật chăm sóc hiện đại nên năng suất cao, đạt 7 tấn/ha. Với giá lúa 10.000 đồng/kg, bà con thu lợi mỗi hécta 70 triệu đồng. Cũng nhờ nông sản giá cao nên năm nay bà con phấn khởi, nhiều hộ sửa sang nhà cửa, mua sắm thêm đồ dùng đón tết.
Xuôi về huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), không khí tết rộn ràng khắp thôn, buôn. Những tuyến đường rợp cờ hoa đỏ thắm. Nhà nhà kéo nhau đi chợ, siêu thị chuẩn bị cho ngày tết; các cửa hàng điện máy, thực phẩm nhộn nhịp người mua. Ông Trần Văn Toàn (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) cho biết, tết năm nay gia đình mạnh tay chi tiền mua sắm, chỉnh trang nhà cửa bởi cà phê được mùa, giá cao.
“Gia đình tôi trồng 2ha cà phê xen trong vườn hồ tiêu. Năm qua, gia đình thu được hơn 6 tấn cà phê và 1 tấn hồ tiêu. Giá cà phê năm nay hơn 70.000 đồng/kg, còn hồ tiêu hơn 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá khiến bà con nông dân phấn khởi. Trừ chi phí, gia đình thu lợi 400 triệu đồng. Năm nay, tôi sẽ học lấy bằng lái và sắm ô tô mới để phục vụ gia đình”, ông Toàn phấn khởi nói.
Được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Pắk đang thay đổi từng ngày, đời sống của người dân khấm khá hơn trước. Những năm qua, nhờ trồng sầu riêng cho kinh tế cao nên nhiều gia đình xây nhà lầu, mua ô tô. Đặc biệt, năm vừa qua, giá sầu riêng có thời điểm tăng lên gần 100.000 đồng/kg, nên nhiều gia đình phất lên nhờ loại cây ăn quả này.
Ông Mai Văn Ân (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) cho biết, ông có gần 100 cây sầu riêng đang cho thu hoạch năm thứ 12. Vụ mùa vừa qua, ông thu được gần 10 tấn sầu riêng, trừ hết chi phí cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng...
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, sầu riêng, cà phê có giá cao nên bà con rất phấn khởi. Hiện ngành chức năng của tỉnh đang xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản địa phương.