Khi người vay không trả, lập tức bị đe dọa, khủng bố về tinh thần, bị hành hung nên nhiều người đành cố chịu đựng. Chỉ khi không còn lối thoát, hay đứng trước nguy cơ mất tài sản, bị buộc phải chuyển nhượng đất cho chủ nợ thì người vay mới dám làm đơn tố cáo.
Các đối tượng trong băng nhóm cho vay nặng lãi do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu ở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước và hung khí của nhóm giang hồ ở Long An dùng đe dọa, khủng bố con nợ. Ảnh: CHÍ THẠCH
Lãi suất “cắt cổ”
Dẫn chúng tôi đến khu đất có diện tích gần 1.700m2 tọa lạc tại ấp Xóm Hố, bà Trần Thị Nghiệp (59 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) đau xót nhìn khu đất và các tài sản đã vào tay người khác. Bà kể, diện tích này được chia làm 3 thửa đất 74, 75 và 76; do cần chuộc 2 sổ đỏ 74, 75 nên ngày 28- 9-2018, bà Nghiệp vay của 2 anh em Chu Văn Du (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) và Chu Văn Tám (xã Tam Anh, huyện Long Thành), mỗi người 420 triệu đồng. Để vay số tiền này, bà Nghiệp phải đến văn phòng công chứng ký hợp đồng ủy quyền cho ông Du và ông Tám sử dụng 2 cuốn sổ trên của gia đình. Đến ngày 23-3-2019, các bên chốt lại số nợ. Bà Nghiệp nợ mỗi người là 2,5 tỷ đồng và mỗi ngày phải trả cho 2 triệu đồng tiền lãi, ông Tám đứng ra nhận số tiền này.
Do kinh tế khó khăn, bà Nghiệp không thể trả số nợ và bị chủ nợ tính lãi suất kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con”. Đến ngày 31-3-2020, tiền vay nợ ông Du lên tới hơn 3,5 tỷ đồng. Vin vào số tiền nợ này, ông Du tự ý sang tên thửa đất số 74 của gia đình bà Nghiệp. Bà Nghiệp nói trong uất ức: “Năm 2007, gia đình xây một khu nhà trọ với 50 phòng, thu nhập bình quân mỗi tháng 50 triệu đồng, nhưng vì vướng lãi cao từ tháng 7-2020 đến nay, ông Du cho người nhà mang theo 2 thanh niên mặt mày bặm trợn đứng ngoài, quát mắng, đe dọa rồi đuổi bà ra khỏi khu trọ. Vì sợ chúng là giang hồ nên gia đình tôi “ngoan ngoãn” dọn đồ ra ngoài”. Chua chát hơn là với khoản nợ 2,5 tỷ đồng của ông Tám, gia đình bà Nghiệp buộc phải đến phòng công chứng ký hợp đồng ủy quyền thửa đất 76 để ông Tám vay tiền chuộc lại thửa đất 75. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, ông Tám “lật kèo” không vay tiền mà giữ sổ lại.
Rời nhà bà Nghiệp, chúng tôi đến gia đình chị Lý Kim Liên (41 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) cũng là con nợ của ông Du và ông Tám. Cuộc sống của gia đình chị Liên phụ thuộc vào nghề mộc nên kinh tế khá eo hẹp. Tháng 4-2018, chị Liên vay ông Tám 30 triệu đồng với lãi suất mỗi ngày phải trả là 300.000 đồng (tức lãi 30%/tháng). Do lãi suất quá cao nên chỉ mới 6 tháng, chị Liên đã không thể tiếp tục đóng lãi, phải đưa sổ đỏ cho ông Tám đem thế chấp cho ông Du để vay 700 triệu đồng.
Đến nay, qua nhiều lần vay và trả, số nợ của chị Liên lên tới 1,8 tỷ đồng và trong các lần đưa nhận tiền, sau khi ký xong, chủ nợ liền giữ lại giấy tờ, không cho sao chụp, photo; việc cộng dồn gốc, lãi đều do chủ nợ “tự biên tự diễn” nên chị Liên chỉ biết cắn răng chịu đựng vì “cái khó bó cái khôn”. Chị cay đắng: “Họ còn đe dọa, nếu không trả đủ nợ sẽ cho giang hồ đến dọn đồ đuổi ra khỏi nhà”. Trong quá trình thu thập thông tin, nhiều người dân còn tố cáo có hàng chục người dân xã Phú Hội vướng tín dụng đen của ông Du và ông Tám như: bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Nguyễn Thị Kim Phụng, Hoàng Thị Út… Quá bức xúc, nhiều hộ dân đã trình báo lên cơ quan chức năng, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Khốn đốn vì tín dụng đen
Anh V.H.T. (45 tuổi), công nhân một nhà máy tại huyện Bình Chánh, bàng hoàng cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đã vay nóng số tiền 10 triệu đồng thông qua các quảng cáo dán trên tường nhà và trả góp theo hình thức 1 triệu đồng/tuần, tuy nhiên đến tháng thứ 3 thì anh mất khả năng trả do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lương bị cắt giảm. “Cứ mỗi ngày chậm trả, phí phạt là 400.000 đồng, sau nhiều tháng thì khoản nợ đã lên tới gần 60 triệu đồng. Vì không còn cách nào khác, tôi phải bán hết tài sản gia đình như xe máy, tivi, máy giặt nhưng đến nay vẫn chưa hết khoản nợ”.
Còn ông Huỳnh Văn Kiếm (55 tuổi, nhà ở ấp Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) thì bị nhóm đòi nợ theo kiểu xã hội đen vào tận nhà truy sát, vì vợ ông lỡ dính vô đám cho vay nặng lãi. Trước khi giang hồ xông vào nhà truy sát ông, có một nhóm người lạ mặt kéo đến xưng là người cho vay ở TP Tân An (Long An), bảo rằng vợ ông vay tiền của bọn chúng với lãi suất 20%/tháng, nếu vợ chồng ông không trả thì chúng sẽ xử. Không biết vợ mình vay bao nhiêu tiền, nhưng chúng cho biết ngoài tiền nợ gốc, mỗi ngày phải trả thêm 3,7 triệu đồng tiền lãi.
Ông Kiếm nói, ông không liên quan trong chuyện vợ vay nợ thì bị hăm dọa sẽ “xử đẹp”. Khuya 12-8-2019, bọn chúng ra tay với ông Kiếm. Chúng đập phá nhà cửa, đánh và chém ông Kiếm… Nhưng điều làm ông Kiếm và nhiều người dân ở thị trấn Tân Trụ bức xúc hơn cả là nhà ông ở sát bên trụ sở công an thị trấn, vậy mà bọn giang hồ vẫn ngang nhiên lộng hành truy sát, la hét om sòm. Mãi đến khi bọn chúng rút đi, ông Kiếm được đưa đi cấp cứu thì công an mới xuất hiện!
Theo Công an tỉnh Long An, hiện nay, vùng giáp ranh giữa Long An với TPHCM giống như “miền đất hứa” của các băng nhóm tội phạm. Như ở huyện Cần Giuộc giáp huyện Bình Chánh, TPHCM được xem là ổ của các hoạt động về ma túy. Chỉ tính 11 tháng đầu năm 2020, công an tỉnh Long An phá được khoảng 80 vụ án về vận chuyển, tàng trữ, mua bán ma túy, trong đó huyện Cần Giuộc chiếm gần 70 vụ. Còn huyện Đức Hòa thuộc “lãnh địa” của nhóm đá gà, bài bạc; thậm chí nếu có mâu thuẫn ở đâu, chúng cũng thường kéo về Đức Hòa để xử nhau.
Khó ngăn chặn
Mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần ra quân trấn áp, mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm, trong đó có nạn cho vay nặng lãi, bảo kê bài bạc dưới hình thức trường gà hay sử dụng các thanh niên hư hỏng xăm trổ hù dọa, ép buộc, khủng bố con nợ, nhưng loại tội phạm này đang có xu hướng trẻ hóa. Các đối tượng đã tận dụng mạng xã hội để mở rộng mạng lưới cho vay, khiến việc kiểm tra, truy vết của cơ quan công an gặp nhiều khó khăn.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau vụ “xẻ thịt” đất công bán cho người dân vào năm 2015 (khi người dân đòi lại tiền thì bị chém), 3 trùm giang hồ Nguyễn Thành Nam (tức Nam Beo), Bùi Đức Son (tức Sơn Quán) và Bùi Văn Mạnh (tức Mạnh Khí) cùng tra tay vào còng. Từ đó đến nay, giới giang hồ ở “thủ phủ” dầu khí khá im ắng.
Tại Bình Dương, chúng tôi theo chân ông N.M.V. (59 tuổi, một “hiệp sĩ” ở Làng Đại học Quốc gia TPHCM, phường Đông Hòa, TP Dĩ An, giáp ranh với quận Thủ Đức, TPHCM) tiếp cận một “cung đường tội phạm” rình rập là đường số 11 (tên mới là đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Hòa). Ông V. kể: “Con đường này mới làm rộng, đẹp nhưng là con đường nguy hiểm nhất trong khu vực, 2 bên chỉ toàn cây cối, đồi đất không có nhà cửa, không biển cảnh báo tội phạm, có nhiều đường mòn rập rạp.
Vào đầu năm học, nhiều sinh viên hoặc công nhân mới đến không biết rủi ro nguy hiểm, thường hay rủ nhau ngồi tâm sự trên vỉa hè rồi xảy ra trấn lột, cướp bóc, bị thương tích nếu chống trả. Các vụ “đá nóng” xe thì như cơm bữa. Theo ông V, ở đây manh động nhất là những thiếu niên độ 16 - 18 tuổi, đi đâu cũng thủ “hàng nóng” (vũ khí) trong xe nên mọi người rất sợ hãi. Chúng thường đi thành tốp 3 - 5 người, ban đầu tụ tập đua xe, sau vài ngày thấy không có công an thì đe dọa, hoặc tấn công sinh viên, công nhân để cướp tài sản, thậm chí chúng khống chế nạn nhân để hiếp dâm. Vụ việc điển hình nhất là Lương Văn Đẹt (17 tuổi, quê Sóc Trăng, ngụ tỉnh Đồng Nai) đã cướp tài sản và khống chế hiếp dâm nạn nhân nữ.
Chỉ tính trong 3 tháng qua, nhóm đối tượng do Lương Văn Đẹt cầm đầu đã thực hiện trót lọt 6 vụ cướp tài sản ở khu vực giáp ranh giữa TP Dĩ An và quận Thủ Đức, TPHCM; trong đó có vụ khống chế đôi tình nhân để cướp điện thoại, tiền, trang sức, khống chế bạn trai nạn nhân để thay nhau hiếp dâm chị N.H. (19 tuổi, sinh viên). Một nhóm giang hồ khác còn rất trẻ, mới nổi lên gần đây cũng ở khu vực giáp ranh này, sẵn sàng kéo cả nhóm cùng với hung khí đi gây rối trật tự, đập phá tài sản người khác. Nhóm này do Phạm Tân Thanh (17 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) cầm đầu, mới bị lực lượng chức năng TP Dĩ An triệt phá. |