Tên miền quốc tế là một khái niệm không xa lạ đối với các DN Việt Nam, nhưng việc đưa vào chiến lược kinh doanh một cách bài bản, xem như một tài sản quý lại không mấy DN quan tâm. Cho nên đã xảy ra tình trạng nhiều DN muốn khuếch trương thương hiệu ra toàn cầu thông qua internet phải chịu tốn kém để sở hữu tên miền quốc tế phù hợp với mình.
Mất tiền tỷ
![]() |
Trang web tên miền quốc tế www.viettel.com bị chặn do tải nội dung xấu không thuộc |
Trên thực tế, DN không đăng ký tên miền quốc tế không phải mất hẳn, nhưng nếu muốn trở thành chủ sở hữu phải mua lại với mức giá cao ngất ngưởng.
Vừa qua, Công ty Bkav đã phải chi số tiền đến 2,3 tỷ đồng mua lại tên miền quốc tế Bkav.com để thực hiện kế hoạch phát triển thương hiệu ra toàn cầu.
Đây là một khoản tiền rất lớn so với giá gốc để DN sở hữu tên miền quốc tế. Tên miền này đã được một công ty ở Hoa Kỳ nhanh tay đăng ký trước từ năm 2001 với giá khoảng 10USD/năm (tương đương 200.000 đồng).
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkav, trước đây khi bắt đầu kinh doanh, DN chỉ mới nghĩ đến thị trường nội địa nên chỉ mua tên miền trong nước để phục vụ cho những nhu cầu thật sự cần thiết.
“Mức giá mua lại tên miền này tuy cao nhưng chúng tôi đành phải chấp nhận. Vì có tên miền quốc tế mới thuận lợi trong việc phát triển thương hiệu ra thị trường quốc tế trong thời gian tới” - ông Quảng nói.
Bkav chỉ là một trong số ít DN thành công trong việc mua lại tên miền quốc tế. Hiện nay còn rất nhiều DN đang bị rao bán tên miền quốc tế.
Chẳng hạn gần đây, tên miền Viettel.com đang được rao bán với giá 1,5 triệu USD. Việc không sở hữu tên miền này có thể không ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) trong hiện tại, nhưng nếu Viettel muốn phát triển kinh doanh ra thị trường thế giới chắc chắn sẽ phải cân nhắc đến việc mua lại.
Hiện nay nhiều thương hiệu lớn khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông của nước ta cũng không có tên miền quốc tế phù hợp, do bị người khác mua trước, thí dụ Vinaphone.com và Mobiphone.com đã bị mua từ năm 2003, FPT.com bị mua từ năm 1995…
Một điều đáng lưu ý là khi người dùng internet truy cập vào một số tên miền quốc tế chưa được DN trong nước đăng ký thường dẫn đến các website có nội dung không lành mạnh, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của DN.
Cần được quan tâm
Internet xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1997, thời điểm đó hầu hết DN trong nước chưa dám nghĩ đến vươn cánh tay ra thị trường thế giới và còn mơ hồ về thương mại điện tử, tên miền...
Đến nay, tuy đã hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu, những khái niệm này không còn xa lạ, nhưng nhiều DN do thiếu tầm nhìn đã gặp rào cản về tên miền quốc tế để đối tác, khách hàng tìm hiểu, tiếp cận thương hiệu và hàng hóa của mình.
Theo các chuyên gia, khi tham gia xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, việc đăng ký tên miền quốc tế cũng là một trong những cách để các DN bảo hộ thương hiệu. Hiện nay, tại nhiều nước đang hình thành thị trường nghiên cứu và kinh doanh tên miền rất rầm rộ.
Họ nghiên cứu, dự báo khả năng phát triển của các DN trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Khi nhận thấy tiềm năng phát triển của một DN cụ thể, họ nhanh chóng đăng ký trước tên miền quốc tế của DN đó. Đến khi chủ nhân thật sự cần tên miền phù hợp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh doanh phải mua lại với giá cao chót vót.
Hiện đang có hàng loạt tên miền của các thương hiệu trà, cà phê Thái Nguyên, Bảo Lộc, Tam Châu, nước mắm Phan Thiết, nho Phan Rang và nhiều dự án bất động sản lớn của các DN tên tuổi trong nước như C.T Group, Becamex… đã bị đăng ký trước, nhưng DN không dễ mua lại vì khó biết đích xác ai đang sở hữu.
Ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, cho biết về tên miền quốc tế, ai đăng ký trước sẽ được sở hữu. Vì không nhanh tay nên nếu muốn lấy lại tên miền quốc tế, DN phải thương lượng với chủ sở hữu để mua lại hoặc nhờ trọng tài quốc tế phân xử theo quy định của quốc tế.
Thời gian gần đây, vấn đề bảo hộ thương hiệu đang nóng lên, trong đó có việc nhiều tổ chức và cá nhân nước ngoài đang sở hữu tên miền quốc tế của các thương hiệu Việt.
Vì vậy, các DN cần quan tâm nhiều hơn tên miền nhằm bảo vệ uy tín của mình và ngăn chặn những vụ tranh chấp thương hiệu có thể xảy ra khi giao thương toàn cầu.