Một số loại là “đặc hữu” của địa phương, vùng miền mà nơi khác do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, không có hoặc có nhưng không phong phú, sinh động. Trong số các sản vật đó có 2 loài hoa đặc trưng của mùa Xuân, được đúc kết thành câu thành ngữ “Mai Nam đào Bắc”.
Đúc kết này có lẽ quen thuộc với mọi người, bởi cách đây chừng 30 năm trở về trước, khi việc đi lại, vận chuyển còn chưa thuận tiện, vào dịp Tết, miền Nam gần như chỉ có các loài đặc hữu mà mai vàng là tiêu biểu nhất, còn miền Bắc có đào phổ biến nhất. Đương nhiên, bên cạnh mai và đào, từng vùng còn có nhiều loại hoa khác, chẳng hạn ở miền Bắc còn có hoa mận, hoa lê…, miền Nam có hoa mào gà, hướng dương, cúc…
Đào miền Bắc cũng có nhiều loại với màu sắc, kích cỡ, độ tươi thắm và độ bền khác nhau, như đào phai với cánh hồng phớt, dịu dàng; bích đào màu đậm, sang trọng, rực rỡ; đào thất thốn hoa dày, đỏ thắm… Mai miền Nam cũng có nhiều loại, theo số cánh, theo màu, theo địa phương… mà mỗi loại có những nét đặc trưng riêng. Gần đây nhiều người còn chưng cả mai vàng (hoàng mai), mai trắng (bạch mai), mai xanh (thanh mai)…
Sự chọn lựa mai Nam đào Bắc đương nhiên xuất phát từ yếu tố tự nhiên. Mai là loài cây của xứ nóng, ưa nắng, chịu hạn tốt; còn đào là loài cây của xứ lạnh, nếu vào mùa nở hoa gặp thời tiết nhiệt độ cao hoa sẽ ít bung cánh.
Xưa kia, điều kiện trồng trọt còn lạc hậu, cây xứ nào chủ yếu trồng xứ ấy, giống thuộc mùa nào trồng mùa ấy, bởi người ta khó xử lý trái vụ, khác vùng. Từ đó hình thành thói quen, sở thích và được tích lũy thành nếp sống, biểu hiện văn hóa: Ngày Tết các gia đình miền Nam phải có chậu hoa mai và miền Bắc phải có bình hoa đào.
Nhưng vài mươi năm gần đây, đào vào Nam, mai ra Bắc trở nên phổ biến. Trước hết nhu cầu của người dân ngày càng tăng, nhiều người muốn có những loài hoa mới, lạ và độc đáo hơn, thậm chí khác người, để chưng, chơi trong ngày Tết. Nếu cả một khu phố ở Hà Nội đều chưng hoa đào mà nhà mình chưng hoa mai hẳn sẽ có sự khác lạ, mới mẻ, dù trời rét hoa mai sẽ nở kém.
Tương tự, người trong Nam có thể trồng mai hoặc thuê vài chậu về chưng trong nhà khá dễ dàng và bình thường, nhưng nếu có chậu đào đẹp chưng ở phòng khách có thể tạo sự khác biệt đáng kể. Nhiều năm trước, chỉ một số gia đình khá giả mới có đào chưng, khi được chuyển bằng máy bay, dù chỉ là một cành nhỏ, cũng thấy hương vị Tết của đất Tràng An giữa Sài Gòn.
Một yếu tố quan trọng là việc vận chuyển ngày càng dễ dàng, tiện lợi hơn. Ngày trước giao thông chưa thông suốt, đưa cành đào vào Nam tuy vất vả nhưng cũng dễ hơn mang chậu mai ra Bắc, bởi nó vừa cồng kềnh vừa mất thời gian vừa dễ hư hỏng. Nay vận chuyển hàng chục chậu hoa lớn cùng lúc bằng xe tải chỉ trong vài ngày, hoặc các chậu vừa phải bằng tàu hỏa trong hơn 30 giờ là điều dễ dàng.
Trong thời gian đó và bằng các cách đó, về cơ bản không ảnh hưởng đáng kể đến hoa, nên đến các địa phương khác vẫn giữ được nét đẹp của hoa. Bởi vậy, ở các hội chợ hoa của TPHCM luôn có khu riêng dành cho đào; năm nào trời lạnh, đào nở tươi thắm rất đẹp, thỏa lòng nhu cầu người tiêu dùng.
Cùng với đó, giá cả, kỹ thuật chăm sóc, ra hoa, việc bảo quản trong quá trình vận chuyển… đều thuận lợi cho người dùng. Khi gửi cành đào đi bằng đường hàng không hẳn sẽ đắt hơn nhiều so với chở hàng chục chậu bằng xe; kỹ thuật giữ nụ hay bảo đảm nhiệt độ phù hợp trong thời gian vận chuyển cũng là yêu cầu quan trọng để giữ hoa tươi tốt và nở đẹp khi đến đích.
Đặc biệt, khi hoa đã trở thành loại hàng hóa và dịp Tết là cơ hội kinh doanh quan trọng, nhiều người đã chăm chút sản phẩm của mình để luôn là hàng hóa có phẩm chất tốt, giá cả cạnh tranh, điều trước đây có thể chưa được thực hiện đầy đủ.
Bây giờ, mai không chỉ ở Nam, đào không chỉ ở Bắc mà có mặt ở khắp nơi, có thể là một biểu hiện của nhiều điều đáng chú ý. Về mặt thưởng thức, việc đáp ứng các nhu cầu không còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố địa lý nữa. Về mặt xã hội, nhu cầu của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thể hiện mức sống và chất lượng sống ngày càng được nâng cao.
Về mặt kinh tế, việc kinh doanh góp phần quan trọng vào trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và tham gia việc hình thành các biểu hiện văn hóa mới. Về mặt văn hóa, những đúc kết có vẻ “chắc như đinh đóng cột” trước đây dần thay đổi, và bản thân nó chỉ còn là dấu vết của một xã hội nhất định chứ không phản ánh đầy đủ thực tiễn…
Những ngày Tết, trong miền Nam, nhìn những cánh đào tươi thắm hẳn nhiều người có cảm xúc đặc biệt như đang được tận hưởng cái rét trong màn sương mờ hay giữa cơn mưa phùn lớt phớt và thấy hồn cốt Thủ đô ngàn năm văn hiến đang phảng phất. Hay các gia đình ở miền Bắc, trong cái rét căm căm được ngắm hoa mai vàng rực rỡ, hẳn sẽ cảm thấy ấm áp hơn bởi “chút nắng vàng” của phương Nam.