Tết ở khu cách ly

(ĐTTCO) - Tết năm nay, đối với những người đang ở khu cách ly y tế tập trung tại TPHCM thật đặc biệt.

 Mặc dù, họ không cùng gia đình quây quần bên nhau trong bữa cơm chiều 30 Tết, cùng nhau đón thời khắc giao thừa và chúc nhau những lời chúc tốt lành của ngày đầu năm mới, nhưng họ vẫn vui vẻ, lạc quan, thực hiện giãn cách đúng quy định của ngành y tế trong khu cách ly và gửi tới người thân của mình lời chúc mừng năm mới qua hình thức trực tuyến.

Tết ở khu cách ly ảnh 1 Quà hỗ trợ người dân ngoại tỉnh bị mắc kẹt ở thị xã Ayun Pa, Gia Lai (nơi bị phong tỏa) để ăn tết.
Ảnh: HỮU PHÚC

Kỷ niệm khó quên

Gạt vội dòng nước mắt sau khi gọi điện cho con gái hỏi thăm tình hình chuẩn bị tết như thế nào qua chiếc điện thoại cũ kỹ, bà Phạm Thị Hồng Thủy (55 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, đây là cái tết đầu tiên xa mẹ của các con bà, chúng đã trưởng thành và chuẩn bị một cái tết tươm tất, đủ đầy. Xúc động nhớ lại ngày xưa, bà Thủy cho biết, giờ này năm ngoái, là lúc gia đình bà quây quần bên nhau, cùng nhau làm mâm cơm cúng tất niên, cúng giao thừa rồi đi chùa, thăm họ hàng, người thân. Năm nay, sau khi từ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trở về TPHCM, bà đã thực hiện khai báo y tế và cách ly. “Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, tôi vào đây cách ly theo quy định. Đây sẽ là kỷ niệm thật khó quên”, bà Thủy tâm sự.

Còn tại khu cách ly Trường Quân sự TPHCM, ngay từ chiều 30 Tết, các chiến sĩ đã chuẩn bị hệ thống đèn, kéo dây điện để lắp đặt màn hình chiếu ở giữa sân, mở những ca khúc xuân vui tươi, rộn ràng, giúp những người cách ly thưởng thức trọn vẹn hương vị tết qua các chương trình truyền hình ngày tết. Thậm chí, không gian tết cũng được tái hiện một cách sinh động với các tiểu cảnh cây đào, cành mai, người cách ly giữ khoảng cách an toàn, chụp cho nhau những bức hình kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của mình khi đón tết ở một nơi thật đặc biệt. Phía bên trong khu nhà hành chính, mâm lễ cúng giao thừa được các bác sĩ trong khu cách ly chuẩn bị từ chiều để mọi người thắp nhang, cầu khấn cho năm mới bình an. 

Tết ở khu cách ly ảnh 1Thức ăn phục vụ công dân đang cách ly tại Trung tâm Huấn luyện, Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh Trung đoàn Bộ binh 991

Tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi đang thực hiện điều trị cho 43 bệnh nhân và thực hiện cách ly cho 29 trường hợp tiếp xúc gần. Bệnh viện hoạt động xuyên suốt với hơn 40 cán bộ công nhân viên với quy mô 300 giường, các kíp trực được luân phiên thay đổi sau 5 tuần (trong đó có 1 tuần bàn giao). Khoảng hơn 23 giờ 30 phút đêm 30 Tết, các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện quây quần tại sảnh tòa nhà hành chính, bật tivi kết nối qua hệ thống trực tuyến để đón giao thừa cùng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và 17 đơn vị điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Khi công tác chuẩn bị đón giao thừa đã hoàn tất thì bất chợt, 2 nhân viên y tế và cán bộ hậu cần hối hả đạp xe ra cổng bệnh viện thông báo: một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới vừa được chuyển xuống. Gạt bỏ hết công tác đón giao thừa, các bác sĩ vội vã tiếp nhận hồ sơ bệnh án, xịt khử trùng toàn bộ xe cấp cứu và đường đi của ca dương tính...

Những ngày không nghỉ

Không chỉ những người thực hiện cách ly mà cả các nhân viên y tế ở đây cũng phải đón tết xa nhà. Tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi, công việc hàng ngày của nhân viên y tế là kiểm tra sức khỏe của mọi người, đo thân nhiệt và phục vụ các hoạt động của người cách ly, tiếp nhận hàng hóa từ bên ngoài gửi vào theo đúng quy định. Họ cũng không được về nhà ăn tết. Sau đợt phục vụ cách ly, họ sẽ tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày. Chị Nguyễn Thị Phương Trang, công tác ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, cảm giác đón tết ở một nơi xa lạ, xa gia đình tuy có buồn nhưng vì nhiệm vụ phải cố gắng. “Đón tết xa nhà, buồn lắm chứ, người ở lại buồn, người ra đi cũng rưng rưng nước mắt. Khi chị nói, tết này không về, đứa con gái của chị nó khóc đòi mẹ, nhưng vì công việc, chị cũng ráng động viên bé. Để bé luôn có cảm giác mẹ bên cạnh, hàng ngày chị đều gọi điện về hỏi thăm con. Tết ở đây thật đặc biệt, nhưng sẽ thật đáng nhớ, khi về chị sẽ kể cho con gái mình nghe về những ngày khó quên nơi đây”, chị Trang tâm sự.

Còn đối với Lê Trương Đạt, công tác ở Bệnh viện Nhi đồng 2, tết năm nay sẽ không thể quên. Là con một trong gia đình, ba mẹ tuổi cũng đã cao, Đạt dự định 24 Tết sẽ về quê Quảng Ngãi đón tết cùng gia đình, nhưng vì dịch Đạt lại ở lại chi viện cho “tuyến đầu chống dịch”. Tại đây, Đạt làm các công việc hành chính, đi xuống các khu khám bệnh để đo huyết áp, phụ bác sĩ phết họng. “Ba mẹ rất ủng hộ và động viên em nhiều. Có những lúc thức trắng đêm làm việc vì người nhập cảnh rất đông nhưng ba mẹ, bạn bè động viên là mệt mỏi tan biến”, Đạt cho hay.

Đúng 16 giờ 30 chiều 15-2, những tiếng vỗ tay và hò reo đồng loạt vang lên khi những thanh chắn rào chắn khu vực phong tỏa tại hẻm 245 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 được dỡ bỏ. Một người dân trong khu vực phong tỏa vui mừng nói: “Khoảnh khắc này hạnh phúc quá. Từ bây giờ, tôi và hàng xóm có được cái tết rồi. Tôi tới nhà Tổ để mừng tuổi ba mẹ, lì xì tết cho đàn cháu được rồi, được chơi xuân rồi các anh ạ. Cảm ơn các anh nhiều lắm, các anh đã vất vả trực phong tỏa cả mùa tết”. Bên cạnh tôi lúc đó là nhóm đông người dân đang cầm quốc kỳ đồng thanh hô: “Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch!”. 

Xuyên tết lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng

Ngay từ đêm 11-2 (tức 30 Tết), TPHCM đã khởi động việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng đối với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như nhà trọ, nơi lưu trú của công nhân, bến xe lớn, các chợ đầu mối, chợ địa phương… Đây là những điểm có nguy cơ lây truyền bệnh cao, có mật độ giao thương lớn, lưu lượng tiếp xúc cao và tập trung đông người. 

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, việc lấy mẫu trên diện rộng là hoạt động giám sát nằm trong kế hoạch nâng cao mức cảnh báo về dịch trên địa bàn. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm sẽ giúp ngành y có đánh giá tổng thể tình hình dịch và có bức tranh hoàn thiện về dịch Covid-19 tại thành phố. Trong đợt này, thành phố tiếp tục thực hiện lấy mẫu gộp, mẫu sẽ được xét nghiệm Realtime RT-PCR ngay sau khi thu thập. Cụ thể, đêm 30 Tết, các cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với hàng trăm người là nhân viên xếp dỡ, nhân viên bán vé, bảo vệ, tài xế và hành khách có mặt tại thời điểm lấy mẫu tại Bến xe Miền Đông (cũ). Tại Bến xe Miền Tây, việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 do các bác sĩ khoa xét nghiệm của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đảm trách. Cũng ngay trong đêm 30 Tết, tại nhà lưu trú ga Sài Gòn, lực lượng y tế của Trung  tâm Y tế quận 3 đã có mặt và lấy được 29 mẫu gộp của 142 nhân viên làm việc tại ga.

Ngày 12-2 (tức mùng 1 Tết), lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận 6 đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại chợ Minh Phụng và chợ Bình Tiên. Trong chiều mùng 1 tết, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận Thủ Đức đã tiến hành lấy mẫu cho các tiểu thương đang buôn bán ở đây tại thời điểm lấy mẫu với khoảng 200 mẫu. Tại quận Phú Nhuận, lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Cư xá Nguyễn Đình Chiểu và Hẻm 96 Phan Đình Phùng. Lực lượng y tế của Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cũng đã có mặt tại các khu nhà trọ trên địa bàn và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân sống ở đây.

“Gần 40.000 mẫu xét nghiệm đã được thực hiện với kết quả xét nghiệm phải có trong vòng 24 giờ để đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng. Với các kết quả xét nghiệm cùng với việc từ ngày 10-2 đến nay, thành phố không ghi nhận thêm trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, thành phố đã cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm và tình hình dịch tại thành phố”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng thông tin.

Các tin khác