Dù vậy, Tết đến, không khí chuẩn bị thật rộn ràng trong các các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Những người đứng đầu các sứ quán đều cố gắng tạo điều kiện để các cán bộ nhân viên được có cái Tết sao cho thật vui vẻ để anh chị em bớt nỗi nhớ nhà.
Do công việc được phân công, trước khi đến Brasilia, thủ đô Brazil, nhận nhiệm vụ là Đại sứ thường trú đầu tiên của Việt Nam tại quốc gia này vào tháng 11-2002, tôi cũng đã nhiều lần phải đi công tác ở các nước và phải đón Tết xa nhà. Trong những lần đó, tôi luôn được mời đến đón giao thừa tại Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại đang công tác và tôi cũng thường mang một số đặc sản của Việt Nam sang chung vui cùng đồng nghiệp. Cũng một vài lần vì hoạt động ở xa thủ đô nên phải đón Tết một mình, nhưng Tết Nguyên đán năm 2002 ở Brazil là cái Tết đầu tiên tôi phải lo công việc chuẩn bị cho cán bộ và nhân viên của Đại sứ quán chuẩn bị đón Tết.
Khi tôi đến Brazil nhận nhiệm vụ mới, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán. Vì thế, ngoài việc dành thời gian cho hoạt động theo thông lệ ngoại giao của một đại sứ mới đối với nước chủ nhà và ngoại giao đoàn, là công việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi trao đổi với anh chị em trong Đại sứ quán về việc này. Đồng chí Tham tán của sứ quán khi đó giỏi tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đã ở Brazil 4 năm, trong đó có hơn 2 năm làm Tổng lãnh sự ở Sao Paolo (thành phố lớn nhất Brazil có khoảng hơn 200 người Việt sinh sống), cho biết việc chuẩn bị Tết ở Sao Paolo thuận lợi hơn. Còn ở Basilia hơi khó vì không có bà con người Việt, đặc biệt khó nhất ở khâu làm và gói bánh chưng. Basilia là thủ đô mới xây dựng từ năm 1960, chỉ là thủ đô hành chính không có nhiều hoạt động kinh tế, cán bộ của sứ quán không nhiều, nên việc chuẩn bị Tết cũng nên đơn giản. Có thể nhờ bà con người Việt ở Sao Paolo làm vài cái bánh chưng gửi lên cho anh em là đủ.
Sau khi nghe ý kiến anh chị em, tôi đề nghị chương trình Tết gồm ngày 30 Tết tổ chức tham quan các địa điểm du lịch xung quanh Basilia, sau đó tổ chức ăn tất niên cho toàn sứ quán. Ngày mùng 1 Tết, tốt nhất là ngay sau giao thừa, anh chị em cố gắng gọi điện về Việt Nam thăm hỏi và chúc Tết gia đình, người thân và bạn bè.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là tìm nguyên liệu (gạo nếp) để làm bánh chưng. Các thực phẩm gói bánh ở chợ và siêu thị đều có, chỉ trừ gạo nếp, lá dong và cành đào không có. Do đó, tôi nói anh em sứ quán hỏi thăm bà con người Việt ở Sao Paolo tìm mua gạo nếp. Cuối cùng cũng tìm mua được gạo nếp ở một cửa hàng của người Brazil gốc Nhật Bản. Còn lá dong phải xin ở vườn nhà của một người bạn Brazil. Cành đào may sao cũng có nhưng cây đào lại không có hoa, anh chị em sứ quán phải làm hoa bằng giấy gắn vào.
Thế là vào dịp Tết năm 2002, Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil đã chuẩn bị được cái Tết có đủ hương vị, cũng có mâm ngũ quả, có bánh chưng, có cành đào. Khi bánh chưng gói xong, chúng tôi mang tặng gia đình đã cho lá dong và tặng Đại sứ các nước ASEAN. Chương trình Tết năm ấy đã được thực hiện rất thành công. Trong buổi tiệc tất niên năm ấy, ai cũng vui, vừa chúc mừng sức khỏe nhau, vừa ôn lại những kỷ niệm của những cái Tết sum họp cùng gia đình khi còn ở Việt Nam.
Đến nay, dù đã 20 năm trôi qua, nhưng kỷ niệm về cái Tết đầu tiên khi tôi ở Brazil vẫn còn sâu đậm. Tết cổ truyền là nét văn hóa đẹp luôn được gìn giữ và lan tỏa, ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến và trân trọng như một di sản văn hóa đặc trưng trong quá trình Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng.