1. Nhớ thời nghèo khó chưa xa, ở miền Bắc, để lo cái Tết đủ đầy luôn cần sự cố gắng 200% sức lực của những người phụ nữ trong gia đình. Trước Tết cả tháng đã thấy các bà, các mẹ rục rịch gom góp đường chuẩn bị làm bánh mứt. Mứt dừa, mứt bí, mứt gừng có vẻ đơn giản dễ làm hơn nên nhà nhà đều thấy bày biện.
Còn mứt táo, mứt quất (mứt tắc), khó hơn một chút bởi phải canh đường cho chuẩn, để quá lửa là nát, là khét nên chỉ dành cho những người đứng bếp thật kiên nhẫn.
Bọn trẻ thời đấy không có mấy trò hấp dẫn như bây giờ nên thường luẩn quẩn quanh bếp để còn xin vét xoong, vét chảo.
Nhưng không khí thực Tết chỉ đến khi hương ngào ngạt của nếp, của lá dong, của đậu xanh, thịt mỡ... lan tỏa trong không gian từ nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp lửa.
Mẹ thường kể, để có được nồi bánh chưng ấy, trước nhiều tháng phải dồn tem phiếu mua gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn. Sau rằm tháng Chạp, bố đã lạch cạch lôi cái nồi quân dụng được cất kỹ dưới gậm giường ra cọ rửa, kiểm tra lại mấy cái đinh tán có cái nào lỏng lẻo rơi rụng không, và gom cho đủ củi khô xếp gọn vào dưới mái hiên.
Hồi ấy nhà nào có cái nồi lớn bọn trẻ nhà ấy có nhiều đặc quyền lắm, bởi cứ mỗi nhà trong xóm mượn luộc bánh đem nồi về trả là y rằng kèm theo cặp bánh mụn (loại bánh chưng nhỏ gói từ gạo thịt còn dư lại dành cho trẻ con). Bánh mụn tuy bé nhưng đủ cả từ gạo đỗ tới miếng thịt sấn vai đã mềm nục, chao ôi là thơm là dẻo.
Giờ, bánh chưng có quanh năm, cảnh chạy ăn cho khỏi đứt bữa cũng ngày càng ít, bởi thế Tết đến không mấy nhà gói và nấu bánh chưng nữa, bọn trẻ cũng mất đi cái cảm giác háo hức, líu ríu canh nồi luộc bánh ban đêm…
2. Nhớ dông, nhớ dài ngày Tết truyền thống với cành đào, cây quất, với nồi bánh chưng nghi ngút khói. Nhưng có lẽ cái mỗi người đều cảm nhận được chính là sự chân thành, hướng thiện đẫm chất nhân văn của Tết Việt.
Ngày đầu năm người ta luôn cố giữ tâm hồn mình trong sáng, tránh nói điều xấu, điều gở, không to tiếng và đặc biệt là kiêng đòi nợ. Phương Tây đâu có chuyện trò viếng thầy, con cái viếng cha mẹ ngày Tết, bạn bè thăm viếng chúc Tết nhau.
Trong tiềm thức dân tộc, người ta mong và tin là năm mới có thể mang lại điều may, tránh rủi cho cuộc đời mình, mà muốn được hưởng cái tốt lành phải làm điều thiện, với tư tưởng lạc quan là năm mới có thể thay đổi số phận mình.
Do đó, loại trừ những mê tín nhảm nhí, đa số tục lệ quy định những việc nên làm và kiêng kỵ đều có tính nhân văn, vì từ “mới” trong năm mới có nghĩa “tốt đẹp”.
Tết nay có khác nhiều. Cuộc sống quá bận rộn khiến nhiều người không kịp dứt ra khỏi nhịp quay hối hả đó để hưởng cái Tết chậm, cái Tết đoàn viên, Tết của tình thân. Có lẽ vì thế Tết cổ truyền cũng nhạt đi vài phần, thậm chí đã có người còn đề xuất ý tưởng nên dồn hai cái Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán vào một.
Nếu xét trên những con số về ngày làm việc, về số tiền chi tiêu… tiết kiệm được từ việc gộp Tết đúng là “khổng lồ”, song đâu phải cái gì cũng có thể đong đếm được. Cái được thấy rõ nhưng cái mất là giá trị tinh thần, là cảm xúc, là sự gắn kết… của ngày Tết đem lại, những tưởng vô hình nhưng lại là món quà vô giá không phải dân tộc nào cũng có được.
3. May mắn được ra với người dân và chiến sĩ ở Trường Sa trong một mùa Tết Nguyên đán, nhóm phóng viên “nằm bờ” mới được trải nghiệm những cái Tết sớm của lính đảo.
3. May mắn được ra với người dân và chiến sĩ ở Trường Sa trong một mùa Tết Nguyên đán, nhóm phóng viên “nằm bờ” mới được trải nghiệm những cái Tết sớm của lính đảo.
Đã nghe nhiều, đọc nhiều nhưng khi vượt hải trình đầy sóng gió để ra với những người lính trong những ngày cuối năm mới thêm thấu hiểu và trân quý ý nghĩa của cái Tết đoàn viên. Với những người lính đảo, ngày chuyến tàu chuyển quà Tết từ đất liền ra cũng chính là ngày Tết. Cả đảo nhỏ xôn xao rộn ràng nói cười. Quà mang ra cho đảo cũng chỉ giản dị là măng là miến, gạo nếp, đỗ xanh… nhưng vui hơn cả là tấm lòng từ đất liền vượt ngàn trùng khơi mang tặng.
Ngồi cùng nhau quây quần trò chuyện, nhận đồng hương, đồng niên, đồng ngũ… làm cho buổi gặp mặt mừng mừng, tủi tủi như gặp người thân. Dẫu biết rõ lịch tất niên còn nhiều tờ chưa bóc, nhưng không khí ấm áp tình thương mến thương ấy khiến ai cũng cảm thấy Tết đã đến với Trường Sa ngay từ lúc ấy.
Chỉ vỏn vẹn một năm nhưng Covid-19 làm cho cái Tết Nguyên đán đổi thay đến chóng mặt. Hạn chế tập trung đông người nên việc cỗ bàn tất niên, năm mới chắc sẽ giản tiện. Thói quen mua sắm online được duy trì từ nhiều ngày giãn cách xã hội với nhiều nhóm hội mua bán trên mạng, từ quà Tết, bánh chưng đến mâm cỗ cúng tổ tiên…
Việc thăm hỏi dắt díu từ nhà này sang nhà nọ trong dịp năm mới cũng vì Covid-19 được các bậc cha chú đại xá. Cũng vì dịch bệnh các chuyến tàu chuyển hàng, thay quân và mang quà Tết cho các chiến sĩ ngoài biên giới, hải đảo thực hiện theo hình thức mới.
Vẫn gạo nếp, bánh trái… nhưng báo chí và những thành phần khác tham gia đoàn thăm, tặng quà Tết Nguyên đán bị giảm, làm vơi đi phần nào cái không khí rộn ràng mừng mừng, tủi tủi của người trong bờ ra với đảo.
Thích nghi với Tết Nguyên đán trong hoàn cảnh mới, phong vị ngày Tết chắc cũng nhạt đi ít nhiều. Song có hề chi bởi một năm mới sẽ đem đến những vận hội mới. Hoa mai, hoa đào vẫn rực rỡ chờ đón Xuân.